Đ-ến mùng 8 Tết, toàn bộ gần 700 công nhân (CN) Công ty May thêu Hiển Đạt (quận Tân Phú - TPHCM) đã có mặt tại công ty để bắt đầu công việc. Đây là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi không bị mất lao động sau Tết. Ổn định được lực lượng lao động là kết quả của một chính sách lao động cởi mở, bảo đảm quyền lợi CN mà Công ty Hiển Đạt thực hiện trong nhiều năm qua.
Mở xưởng đi đôi với xây nhà
Nhìn vào bản thỏa ước lao động tập thể của Công ty Hiển Đạt, sẽ nhận thấy ngay sự quan tâm của công ty dành cho CN: Nhiều quyền lợi của CN cao hơn quy định như CN có con nhỏ, hằng tháng hỗ trợ thêm tiền gởi con vào nhà trẻ; toàn bộ CN ngoại tỉnh được công ty thuê nhà trọ cho ở miễn phí... Anh Hoàng Văn Trí, CN tổ hoàn thành, cho biết: “Sự quan tâm của công ty làm cho chúng tôi thấy có trách nhiệm và gắn bó với công ty hơn”. Ông Nguyễn Ngộ, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: Quan điểm của công ty là một khi quyền lợi được bảo đảm, đời sống được nâng cao thì NLĐ sẽ yên tâm, không “đứng núi này trông núi nọ”. Trong kế hoạch mở rộng sản xuất sắp tới, công ty đã dành quỹ đất để xây nhà trọ cho những CN mới.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản Sài Gòn (Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc - TPHCM) cũng thuê 100 căn phòng cho CN ở. Ông Nguyễn Viết Phương, Trưởng Phòng Nhân sự công ty, cho biết: Năm tới, công ty sẽ thuê đất dài hạn của khu công nghiệp để xây 300 căn phòng cho CN ở miễn phí.
Lập quỹ hỗ trợ CN
Không chỉ nâng cao thu nhập, nhiều doanh nghiệp tổ chức chăm lo cho người lao động (NLĐ) bằng nhiều hình thức khác. Tại Công ty Theodore Alexander (Khu Chế xuất Linh Trung - TPHCM), ngoài thu nhập ổn định gần 2 triệu đồng/tháng, CN còn được mua bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ. Nhờ chính sách này, nhiều CN bị tai nạn rủi ro được công ty bảo hiểm bồi thường, có điều kiện vượt qua nghịch cảnh. Với nhiều chính sách hỗ trợ cho NLĐ, Công ty Theodore Alexander luôn bảo đảm được lực lượng lao động, kể cả khi mở rộng kinh doanh sang các tỉnh lân cận TPHCM.
Còn tại Công ty May Thanh Long (quận 11-TPHCM), khi giám đốc công ty - bà Nguyễn Thị Băng Tâm - phát hiện một số CN phải vay nặng lãi của nhau hoặc từ các chủ nợ bên ngoài, bà đã tìm hiểu và biết hoàn cảnh khó khăn của một số CN: Cha mẹ, con cái bị bệnh hoặc cần tiền sửa chữa nhà... nên phải vay nóng. Bà đã lập ra “Quỹ hỗ trợ CN gặp khó khăn”. Quỹ này cho CN vay không lãi và trừ dần vào thu nhập hằng tháng. Đến nay đã có hàng trăm CN được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Như anh em một nhà
Từ 3 năm nay, ngoài 3 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, còn lại gần 100 lao động tại Công ty In - Bao bì APP (quận 12-TPHCM) không có ai nghỉ việc. CN Nguyễn Sơn H., ở tổ in, cho biết: “Mức lương của chúng tôi ổn định khoảng 2,2 triệu đồng/tháng, nên chúng tôi rất yên tâm làm việc. Nhưng điều làm chúng tôi gắn bó với công ty chính là vì quan hệ thân tình như anh em mà chúng tôi tạo được ở đây”.
Xuất thân từ một cán bộ Đoàn, Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thành đã xây dựng một quan hệ lao động dựa trên tình thương và trách nhiệm với nhau. Theo quan điểm này, mỗi tổ trưởng vừa quản lý về mặt chuyên môn đồng thời có trách nhiệm như một người anh cả đối với từng tổ viên. Nếu có vấn đề sai sót xảy ra, chính tổ trưởng sẽ nhắc nhở, động viên anh em làm cho đúng. Còn khi tổ trưởng sai, anh em cũng chân tình góp ý và giám đốc đích thân khuyên nhủ. Từng tổ sản xuất được bố trí thuê nhà ở chung để cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ông Thành tâm sự: “Điều ưng ý nhất của tôi không phải là công ty ngày càng phát triển mà chính là nét văn hóa riêng của công ty mà anh em đã gầy dựng”. Từ tình cảm này, công ty đã dành ra gần 100 triệu đồng để hỗ trợ anh em CN mua xe, giúp đỡ gia đình, giải quyết khó khăn đột xuất...
Không phải chờ đến khi tình hình lao động khan hiếm, ngày càng cạnh tranh gay gắt doanh nghiệp mới lo xây dựng, chăm chút đội ngũ lao động của mình. Những doanh nghiệp trên, xuất phát từ trách nhiệm, từ sự trân trọng nlđ nên đã xây dựng được mối quan hệ bền vững, tin cậy lẫn nhau.
Bình luận (0)