Giao tiếp với sếp và đồng nghiệp luôn đòi hỏi bạn phải có nghệ thuật nắm bắt ý người và nguyên tắc cư xử phù hợp để không gây phản cảm, hiểu lầm và củng cố các mối quan hệ, tạo nguồn lực hỗ trợ đắc lực cho công việc. Mời các bạn cùng tham khảo "Thần chú" giúp bạn luôn được lòng sếp và đồng nghiệp.
Bắt mạch hàm nghĩa khác trong lời sếp
Làm việc trong một tập thể, sẽ có những lúc bạn được nghe những lời rất "thân tình" từ sếp, và bạn có thể "vô tư" tin vào đúng từng lời từng chữ của sếp. Nhưng hãy cẩn thận nhé, những gì sếp nói thực ra có hàm nghĩa khác đấy!
Sếp nói: "Mọi người phải luôn xem công ty như nhà mình". Thực ra là: Sếp muốn bạn phải làm việc hết mình giống như làm ở chính nhà bạn, không sợ khổ, không sợ mệt. Tuy nhiên bạn cũng đừng cho rằng chỉ cần bạn làm hết mình thì sếp sẽ đền đáp lại cho bạn sự quan tâm, thân tình và những đặc quyền giống như ở gia đình bạn nhé. Nếu bạn nghĩ như thế thì tuyệt đối là sai lầm! "Xem công ty như nhà mình" của sếp chính là muốn bạn làm việc như làm ở nhà bạn nhưng không thể hưởng thụ như hưởng thụ ở nhà bạn đâu.
Khi biểu hiện trong công việc của bạn thật xuất sắc, sếp thường xưng "anh em" với bạn. Thực ra là: Sếp nói xem bạn như "anh em" chính là hy vọng bạn có thể hỗ trợ, giúp sức cho sếp, cho công ty một cách nhiệt tình giống như anh em đối đãi với nhau. Bạn đừng kỳ vọng rằng mình có thể đồng vai đồng vế với sếp và được phân chia quyền lợi ngang hàng với sếp. Nếu bắt đầu có ý nghĩ này thì sớm muộn bạn cũng tự chuốc thảm bại cho mình thôi.
Bây giờ chúng ta bắt đầu cùng nhau tạo dựng sự nghiệp, đừng tính toán danh lợi lúc này, tương lai chúng ta sẽ làm nên đại sự, đến lúc đó sẽ có tất cả
Thực ra là: Đây là câu nói "hấp dẫn" nhất của sếp, đặc biệt là đối với những người trẻ mới ra trường không lâu với tràn đầy nhiệt huyết và tự tin thì câu nói này giống như là tẩy não cho họ! Kỳ thực, có rất ít người có thể cùng nhau đi đến cuối cùng, bởi vì những gian nan thử thách của buổi đầu khai nghiệp cùng với những động thái ngầm của không ít người mà sếp từng thấy, cho nên không vị sếp nào hy vọng bạn - người biết rõ tình hình của công ty - trở thành quả bom hẹn giờ bên cạnh sếp. Chẳng qua là vì những nhu cầu cho buổi đầu lập nghiệp nên sếp hiểu rằng việc cần phải giải quyết nhất định chính là hợp tác với bạn.
"Cùng nhau lập nghiệp" của sếp chính là muốn bạn hiểu rõ rằng: mọi người cùng phấn đấu cho sự nghiệp là thật, nhưng bạn đừng quên đó là sự nghiệp của ai!
Nguyên tắc giao tiếp nên tránh đối với đồng nghiệp
Giao tiếp với sếp luôn cần có sự cân nhắc đúng mực và sáng suốt trong mọi tình huống. Song song đó, giao tiếp với đồng nghiệp cũng đòi hỏi không ít nghệ thuật để ít gây thị phi và đắc nhân tâm. Giữa những cộng sự với nhau, có những chi tiết nhỏ lại đáng để bạn quan tâm để có công việc thuận lợi hơn.
Đừng tạo "bè phái nhỏ" và phát tán thông tin nhỏ giọt
Nơi làm việc không nên có thái độ tự tư tự lợi bằng cách tạo lập những "vòng tròn bè phái", điều này rất dễ sinh ra tâm lý đối lập cho những người "ngoài cuộc". Ngoài ra, những thông tin truyền miệng kiểu nhỏ giọt cũng khiến vấn đề giao lưu giữa những người làm việc với nhau dễ sinh hiểu lầm, mâu thuẫn. Từ đó khiến cả tập thể luôn bất mãn và ngờ vực lẫn nhau.
Không nên hợp tác với thái độ càu nhàu không ngớt
Dù công việc có thuận lợi hay khó khăn, bạn cũng nên học cách giữ thái độ tích cực và cởi mở. Tâm trạng bực bội thường trực và luôn miệng phàn nàn không những ảnh hưởng tiến độ công việc mà còn đánh mất hình tượng của bạn trong mắt cấp trên và mọi người xung quanh. Ngoài ra, thói quen gặp ai cũng kể khổ càng không nên mang theo trong công việc. Hành động này chỉ khiến bạn trở nên yếu kém và thiếu tự tin.
Không nên có thói quen "thêm dầu vào lửa"
Bạn có thể mạnh dạn thể hiện cái tôi và năng lực trước mắt sếp nhưng không nên có xu hướng "ngả theo chiều gió" và "thêm dầu vào lửa". Đứng trước bất cứ vấn đề nào, của ai, tích cực hay tiêu cực, bạn chỉ nên có thái độ khách quan, điềm tĩnh để tránh đắc tội người khác và đánh mất vị thế của mình.
Không nên biểu hiện thái quá
Đôi khi bạn cảm thấy khó hiểu tại sao sự nhiệt tình, tích cực của mình lại khiến người khác tỏ ra khó chịu? Lúc này, bạn nên nhìn nhận lại xem cách thể hiện của mình đã đúng mực hay chưa. Ở nơi làm việc, bạn cần có nghệ thuật biểu đạt riêng, không thể tùy tiện như các trường hợp sinh hoạt hằng ngày. Tốt nhất là không nên có những lời nói hay hành động theo tâm trạng, chẳng hạn như đập bàn, động tay động chân, cười ha hả hoặc tức giận quá khích...
Bình luận (0)