Theo Sở LĐ-TB-XH, do ảnh hưởng của dịch, có nhiều doanh nghiệp (DN) phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng sản xuất. Việc này kéo theo cả chục ngàn người lao động (NLĐ) bị giảm giờ làm, mất việc, giảm thu nhập và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có DN, NLĐ nào hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Bình Dương chưa có doanh nghiệp, người lao động nào hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hỗ trợ khó khăn
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho biết lý do vì một số đơn vị còn lúng túng, chậm triển khai việc hỗ trợ. Quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin chưa đầy đủ, dẫn đến một bộ phận người dân và DN chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB-XH vừa có văn bản đốc thúc UBND cấp xã, các DN, ban quản lý KCN trên địa bàn khẩn trương thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ. Rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, đối với NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng nhưng tối đa không quá 3 tháng. Đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Bình luận (0)