Các nhà hoạch định chính sách muốn nâng tuổi hưu để tận dụng sức cống hiến của người lao động (NLĐ) và giữ an toàn cho Quỹ BHXH; những người khác thì có ý kiến ngược lại, đề nghị nên hạ tuổi hưu vì điều kiện lao động ở Việt Nam nặng nhọc, độc hại, mức sống thấp nên sức khỏe kém, cần phải được nghỉ sớm.
Bên nào cũng có lý. Nhưng còn cái lý của bên thứ ba là những NLĐ thật sự như chúng tôi thì không thấy đề cập.
Đáng nói là dù Bộ Luật Lao động đã có hiệu lực thi hành 18 năm và vừa được sửa đổi nhưng không có điều khoản nào quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ là bao nhiêu. Luật chỉ quy định “NLĐ được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng khi có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đã đóng BHXH như sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi (…), đã đóng BHXH 20 năm trở lên (điều 145)”. Điều luật này chỉ là điều kiện để được hưởng chính sách hưu trí, không phải quy định về độ tuổi nghỉ hưu.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn giữa “quyền được nghỉ hưu” với “nghĩa vụ phải nghỉ hưu”. Do vậy, thay vì đến tuổi ấy nếu đủ điều kiện (tuổi đời, thời gian đóng BHXH...) sẽ được hưởng hưu, nếu chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục làm việc, đóng BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng thì các đơn vị, doanh nghiệp lại thực hiện theo kiểu NLĐ đến tuổi ấy thì bất kể có đủ điều kiện hưởng hưu hay chưa cũng... cho về vườn, bất kể phần đời còn lại họ không biết làm gì để sống!
Rõ ràng đã có sự lập lờ giữa nghỉ hưu và hưởng hưu.
Bình luận (0)