Không giấu được vẻ thất vọng, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết nhiều ngày qua, ông đã chạy vạy khắp nơi để gửi đơn khiếu nại về trường hợp của con mình là anh Nguyễn Vũ Bình. Anh Bình bị tai nạn ngày 14-9 trong quá trình lao động tại Chi nhánh Công ty TNHH Thương Mại Hoàng Dũng (số 41 Võ Văn Bích, ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM).
Đứt lìa 4 ngón tay
Theo một số công nhân (CN) chứng kiến sự việc tại xưởng, lúc xảy ra sự việc, anh Nguyễn Vũ Bình đang thực hiện công đoạn cắt cao su. Việc cắt các sản phẩm này được thực hiện bằng máy tự động. CN đưa các bành cao su vào, máy cắt sẽ tự động dập. “Lúc đó, bành cao su đưa vô máy cắt bị so le, tôi đưa tay sửa lại cho đều nhưng không ngờ máy xịt nhớt nhiều nên trơn, tay bị trượt hẳn vào trong máy cắt. Tôi rút tay ra không kịp khi lưỡi cắt dập xuống nên bị đứt 4 ngón” - anh Bình cho biết.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các CN đã chở anh Bình đi bệnh viện cùng các ngón tay bị đứt lìa. Dù được bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM ghép nối các ngón tay nhưng kết quả không thành công. Theo giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện, anh Bình bị mất các ngón 2, 3, 4, 5 của bàn tay phải. Sau chữa trị, anh Bình về quê dưỡng thương. Đến nay, vết thương của anh vẫn chưa khỏi hẳn.
“Điều đáng nói là sau khi ra viện, trong khi anh em CN trong xưởng thương tình góp tiền cho con tôi được hơn 5 triệu đồng thì chủ doanh nghiệp lại lơ đi việc đền bù, hỗ trợ” - ông Chiến bức xúc. Sau khi tai nạn xảy ra, ông Chiến phải nuôi con hơn nửa tháng trong bệnh viện. Tiền viện phí 11,5 triệu đồng do công ty chi trả; không có tiền nuôi bệnh, công ty chi thêm 9 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, công ty nói chỉ chi trả cho anh Bình thêm 4 triệu đồng nữa là hết. Theo ông Chiến, con ông bị thương tật như vậy xem như khả năng lao động mất rất nhiều mà công ty chỉ cho 4 triệu đồng thì sắp tới không biết phải sinh sống thế nào. Vì thế, ông không đồng ý nhận tiền.
Tai nạn rình rập
“Ở quê làm nông không đủ ăn nên 3 cha con tôi mới lên TP HCM làm CN kiếm sống và cùng làm cho công ty này. Thằng lớn lên trước, đến thằng nhỏ rồi tới tôi. Anh của Bình trước đây cũng bị tai nạn đứt gân tay khi làm việc, công ty chỉ chi trả đúng tiền nối gân, nó nằm nhà 2 tuần chẳng có đồng nào. Giờ đến thằng nhỏ... Đã vậy, từ lúc làm việc đến giờ, công ty chẳng ký hợp đồng, cũng không đóng bảo hiểm, giờ tật nguyền về nhà tay trắng. Muốn cầm lại cây len, cây cuốc để làm ruộng cũng không được nữa” - ông Chiến cay đắng.
Theo nhiều CN ở đây, không riêng gia đình ông Chiến, hầu như tất cả họ dù làm việc lâu hay mới đều không có hợp đồng lao động, không được đóng các loại bảo hiểm. Chưa kể, họ phải làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên phải ngửi mùi hôi rất khó chịu với sản phẩm là cao su. Bên cạnh đó, dù nhiều công đoạn lao động khá nguy hiểm nhưng hầu như công ty không tập huấn quy trình an toàn lao động. CN cho biết chủ yếu chỉ hướng dẫn miệng, người làm trước chỉ việc cho người làm sau.
Sau khi nhận được khiếu nại của cha con ông Chiến, phóng viên đã đề nghị tiếp xúc với đại diện công ty để làm rõ sự việc nhưng bị từ chối. Đơn khiếu nại của ông Chiến và anh Bình gửi cơ quan chức năng huyện cũng không có phản hồi!
Chủ doanh nghiệp không thể né trách nhiệm
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết: Theo quy định, trong trường hợp này, ngoài trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động (NLĐ) không tham gia BHYT, người sử dụng lao động còn phải trả đủ tiền lương cho họ trong thời gian chữa trị. Sau đó, khi vết thương ổn định, chủ doanh nghiệp phải giới thiệu NLĐ đi giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động, bồi thường và trợ cấp cho họ tùy theo tỉ lệ suy giảm khả năng lao động. Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Củ Chi tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty này để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Bình luận (0)