“Tôi bị tai nạn bị gãy chân trái và vẹo cổ chân phải khi đang thi công lắp đặt nhà xưởng tại Tây Ninh. Hiện gia đình tôi rất khó khăn, mong các cơ quan chức năng can thiệp giúp tôi đòi lại quyền lợi”. Anh Trần Đại Dương, nguyên là công nhân Công ty Thép Việt (quận 9 – TPHCM), cho biết như vậy trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng TPHCM mới đây.
Hứa rồi… quên!
Anh Trần Đại Dương được công ty phân công lắp đặt nhà xưởng tại một công trình ở KCN Chà Là (tỉnh Tây Ninh). Ngày 31-7, trong lúc đang thi công thì giàn giáo sập. Anh Dương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM để điều trị. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, đại diện công ty là bà Hạnh ở bộ phận kế toán, có đến thăm và hứa sẽ chi trả tất cả các khoản tiền ăn ở, thuốc men… Thế nhưng đến nay, công ty chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng, không đủ tiền trả viện phí. Anh Dương cho biết: “Gia đình tôi đã khó khăn nay càng khốn khó bởi tôi là lao động chính mà giờ đây lại bị thương tật”.
Anh Trần Đại Dương đang điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình - TPHCM
Sau khi nhận được khiếu nại của anh Dương, chúng tôi đã liên hệ và được ông Nguyễn Tấn Quang, Giám đốc Công ty Thép Việt, trả lời: “Công ty khoán cho anh Dương nhận một phần công việc tại công trình ở Tây Ninh và tự chịu trách nhiệm. Khi vụ việc xảy ra, phía công ty đã tích cực đưa anh Dương đến bệnh viện chữa trị và cũng đã hỗ trợ chi phí điều trị cho anh Dương. Chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ toàn bộ chi phí thuốc men cho anh Dương”.
“Sống chết mặc bây”
Trường hợp khác, anh Đặng Hoàng Vũ, ấp 2A, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi - TPHCM, bị tai nạn lao động cũng không được công ty bồi thường. Tháng 2-2011, anh Vũ vào làm việc tại Công ty Gunn Gard Vina Safe (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) với công việc là công nhân sơn két sắt. Do bộ phận sơn không còn việc nên anh Vũ được điều sang bộ phận dập tôn. Vào lúc 15 giờ ngày 3-8, trong lúc anh Vũ đưa tôn vào máy thì bị máy dập trúng làm 3 ngón tay phải dập nát. Sau khi bị nạn, anh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình - TPHCM. Trong thời gian anh Vũ điều trị, công ty không hề đến thăm hỏi và thanh toán chi phí thuốc men. Người nhà anh Vũ liên lạc nhiều lần nhưng không được công ty giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tự Lập, quản lý Công ty Gunn Gard Vina Safe, cho biết: “Khi anh Vũ bị tai nạn, công ty đã đưa anh Vũ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để điều trị nhưng gia đình anh Vũ không đồng ý mà yêu cầu công ty phải đưa anh Vũ đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình - TPHCM. Việc chuyển đến TPHCM chữa trị là do gia đình anh Vũ yêu cầu nên phải có đầy đủ chứng từ công ty mới thanh toán. Công ty đã cho anh Vũ ứng lương những ngày điều trị tai nạn lao động”. Khi chúng tôi hỏi vì sao công ty không đến thăm hỏi, hỗ trợ khi anh Vũ điều trị tại bệnh viện, ông Lập cho biết do anh Vũ điều trị ở xa nên công ty không thể đến thăm được!
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM: Doanh nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí Khi tai nạn xảy ra, doanh nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động. Người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ BHXH về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc thì phải trả cho NLĐ một khoản tiền ngang với mức quy định trong điều lệ BHXH. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho người bị tai nạn lao động theo quy định, nếu không, NLĐ nên gửi đơn đến Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM để được xem xét, giải quyết.
Bình luận (0)