Năm 2015, nhân dịp anh Võ Thành Phúc (kỹ sư xây dựng) được anh Lê Cao Cường – Thạc sĩ hóa sinh - mời về tư vấn thiết kế xây nhà, trong quá trình làm việc, hai anh đã phát sinh ý tưởng về mô hình trồng nấm sạch.
Cặp đôi ăn ý
Anh Võ Thành Phúc tâm sự: "Từ lâu, tôi luôn ám ảnh về việc làm nông nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào các loại phân bón và thuốc hóa học. Gần đây, việc đi về từ cõi chết bởi căn bệnh viêm gan cấp tính là động lực thôi thúc tôi mạnh dạn bước chân sang lĩnh vực làm nông nghiệp sạch. Sau khi chia sẻ và may mắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của anh Cường, anh em chúng tôi thuê một khu đất để hiện thực hóa ước mơ của mình".
Kiểm tra nấm rơm thành phẩm tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phương Trà.
Con đường đến mơ ước của hai anh không hề đơn giản. Sau khi chật vật với chuyện tìm mặt bằng mở một nông trang nhỏ thì hai anh phải tháo gỡ khó khăn trong kỹ thuật trồng nấm. Ban đầu, mô hình trồng nấm được anh Phúc và anh Cường trồng thí nghiệm ở hai khu vực, một được trồng ngoài trời dựa trên kỹ thuật truyền thống của nông dân xưa nay; còn lại trồng nấm trong nhà theo phương thức bán công nghiệp. Do xác định trồng nấm sạch nên trong quá trình trồng, cây nấm không được sử dụng các loại phân bón và thuốc hóa học. Đây cũng là nguyên nhân khiến hơn 1 tỷ đồng của hai anh chàng liều lĩnh "dứt áo ra đi".
Anh Lê Cao Cường nhớ lại: "Vụ đầu tiên hai anh em mừng thầm bởi năng suất của nấm khá tốt, đến vụ thứ hai năng suất bắt đầu giảm một nửa, vụ thứ 3 thì nấm rơm chỉ thu được một phần, các vụ tiếp theo gần như mất trắng. Do không chủ động được công nghệ quy trình sản xuất nên nấm rơm bị nhiễm (nhiễm bào tử nấm dại) và côn trùng tấn công khá nhiều. Sau hơn 10 vụ, hai mô hình trồng nấm trong nhà và trồng nấm ngoài trời đều thất bại hoàn toàn, hai anh gần như suy sụp vì bao nhiêu vốn liếng coi như đổ sông đổ biển".
Thành công nhờ đam mê
Sau thất bại bước khởi đầu, anh Phúc và anh Cường cùng ngồi lại để tìm ra hướng đi mới. Một số giải pháp khả thi được vạch ra, song vấn đề là đào đâu ra tiền để đầu tư máy móc, công nghệ cũng như xây dựng các nhà trồng kiên cố.
"Vậy là chúng tôi gần như đi rao ý tưởng về dự án của mình khắp nơi, một dự án được xây dựng chi tiết, rõ ràng và công việc lúc đó của chúng tôi là làm thế nào để thu hút bằng được vốn đầu tư. Tưởng chừng như đã bế tắc, song nhiều anh em, bạn bè tin tưởng đã rót vốn đầu tư cho dự án của hai anh em", anh Phúc vui sướng kể lại. Đây cũng là tiền đề cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phương Trà (xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh) ra đời.
Anh Võ Thành Phúc (bìa phải) và anh Lê Cao Cường (giữa) tại phòng cấy meo nấm.
Ngoài 2 nhân vật liều lĩnh đứng mũi chịu sào là anh Lê Cao Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và anh Võ Thành Phúc - Giám đốc thì công ty còn có sự góp mặt của 16 thành viên. Tất cả các thành viên trong HĐQT đều có học hàm, học vị, chuyên môn sâu trên hầu hết các lĩnh vực: tài chính – kế toán, kinh tế, marketing, kỹ sư hóa – sinh, kỹ sư điện, truyền thông...
Nhờ thành lập công ty cổ phần mà nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ. Việc ưu tiên số một sau thất bại ban đầu là thay đổi, đầu tư công nghệ mới, lần đầu tiên, ý tưởng sử dụng nồi hơi để thanh trùng giá thể trồng nấm được vận dụng.
Anh Lê Cao Cường chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi chỉ xây một nhà trồng khoảng vài mét vuông để thử nghiệm. Nhà trồng được xây dựng kín nhằm mục đích kiểm soát triệt để vấn đề côn trùng, nhiệt độ và độ ẩm. Từ kinh nghiệm đúc kết, chúng tôi nghĩ rằng, nếu giá thể trồng được thanh trùng bằng hơi nước ở nhiệt độ và áp suất cao thì có thể không cần phải can thiệp bất kỳ loại hóa chất nào nấm vẫn phát triển tốt. Sau 6 vụ trồng liên tục, mô hình gần như đạt hiệu quả tuyệt đối. Vấn đề nấm dại và côn trùng không còn là nỗi ám ảnh".
Sau thành công này, đội ngũ nghiên cứu của công ty, đứng đầu là thạc sĩ hóa sinh Lê Cao Cường lại thành công trong việc phân lập các nhóm giống nấm có đặc tính trội về năng suất. Nhờ đó, trung bình mỗi tháng giúp công ty tiết kiệm được vài chục triệu đồng từ việc mua meo giống bên ngoài do doanh nghiệp có thể tự nhân, cấy meo nấm. Hơn thế, nhờ lai tạo và phân lập giống tốt nên năng suất nấm trồng ở công ty đang dần được nâng lên. Năng suất từ 10% lên 13%, cao gấp 2 – 3 lần so với nông dân trồng nấm ngoài trời. Bên cạnh đó, nhờ các cộng sự trong HĐQT chu toàn các khâu phát triển thị trường, tìm đối tác,... Thông qua các cuộc họp hàng tháng, các vấn đề khó khăn được giải quyết rốt ráo, nhiều ý tưởng mới về phát triển sản phẩm theo chiều sâu được đề xuất, vận dụng.
Đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng
Sau những khó nhọc buổi đầu, hoạt động của công ty hiện đang dần ổn định và đi vào quỹ đạo. Với quy mô 6 nhà trồng, trung bình mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường khoảng 5 – 6 tấn nấm tươi. Dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ nâng tổng quy mô nhà trồng lên khoảng 107 cái. Khi hệ thống nhà trồng hoàn thiện, công ty dự định tiến đến chế biến theo hình thức sấy khô và cấp đông.
Khó khăn mới phát sinh trong giai đoạn này là vốn, anh Phúc cho biết: "Để đầu tư nhà trồng và công nghệ chế biến nấm rơm sau thu hoạch, công ty cần một nguồn vốn đầu tư lớn nhưng khả năng nội tại của các thành viên thì có hạn. Công ty rất mong nhận được sự giúp sức từ chính quyền địa phương trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư dành cho đơn vị khởi nghiệp non trẻ như chúng tôi".
Do sản phẩm sản xuất theo quy trình khép kín, chất lượng nấm được đảm bảo tuyệt đối nên sản phẩm nấm rơm sạch của công ty được thị trường trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Hiện tại, công ty đang tiến hành một số thủ tục để đưa sản phẩm vào hệ thống Saigon Co.op, ngoài ra công ty cũng phối hợp với hệ thống các cửa hành thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh để cung ứng trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Anh Lê Cao Cường thông tin thêm, giá trị dinh dưỡng từ cây nấm rơm rất cao, vì vậy khi đủ lực, công ty sẽ tiến hành đầu tư chế biến sâu hơn đối với sản phẩm này như nghiên cứu chế biến hạt nêm, nước tương, thực phẩm đóng hộp....
Bình luận (0)