Ngày 28-10, tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, chính sách với người có công, người yếu thế, người nghèo… đều được quan tâm, thông qua việc nhà nước ban hành nhiều chính sách, thể chế, trong đó có nhiều chính sách thực sự vượt trội.
Đặc biệt, nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quyết định trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, như Nghị quyết 42, Nghị quyết 30, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116...
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung
Từ các chính sách đó, đã hỗ trợ 87.000 tỉ đồng, với 56 triệu lượt người dân và trên 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đời sống người dân đã được cải thiện một bước, dù vẫn còn một bộ phận khó khăn.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, ông Đào Ngọc Dung cho biết bình quân thu nhập của người lao động quý III/2022 tăng lên 7,6 triệu đồng, cao hơn 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khu vực dịch vụ, lực lượng lao động có tới 19,2 triệu người, thu nhập đạt trên 8 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng, từ những con số này cho thấy cuộc sống và thu nhập của người dân, người lao động đã dần trở lại bình thường, thu nhập tăng, đời sống người dân được cải thiện. Cùng với đó, một số vấn đề như nhà ở, nhà trọ, các chính sách an sinh, các nhu cầu thiết yếu cũng được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm hơn.
Về lĩnh vực lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định đã phục hồi nhanh. Theo ông, cách đây 1 năm, cả nước đang phấp phỏng lo ngại vì dịch bệnh tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất - thành trì của phát triển kinh tế, lo ngại trước làn sóng 3 triệu người lao động di chuyển từ các cực tăng trưởng về các địa phương, lo sợ về việc đứt gãy chuỗi cung ứng…
"Nhưng thực tế có thể khẳng định Việt Nam đã không để xảy ra việc đó và trở lại trạng thái bình thường nhanh hơn dự báo. Sức phục hồi được đánh giá là nhanh hơn so với dự báo khoảng 6 tháng"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn chỉ rõ công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức. Cả nước còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình.
Bộ trưởng cho rằng theo tiêu chí mới, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, lưới an sinh xã hội thực chất còn thấp. Các thiết chế văn hóa xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thiếu và có nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó là thực trạng lao động có chứng chỉ, bằng cấp cũng chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ, nhất là lao động chất lượng cao nên năng suất lao động chưa cải thiện nhiều. Lao động khu vực phi chính thức cũng vẫn chiếm tỉ lệ cao, dịch chuyển lao động còn thấp.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và phát triển.
Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng thị trường lao động theo các định hướng đó mà nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung - cầu lao động, tăng cường các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã làm rõ một số vấn đề về việc thực hiện chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mà đại biểu Quốc hội đã nêu.
Theo ông Hầu A Lềnh, về giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết các chương trình mục tiêu, tính đến thời điểm hiện nay được đánh giá là chậm do nhiều nguyên nhân.
Về nguyên nhân khách quan, theo ông Hầu A Lềnh, do chương trình mục tiêu là chương trình mới, nhiều đối tượng, nhiều dự án cũng nhỏ lẻ, manh mún; quy trình, thủ tục theo các quy định của pháp luật phức tạp.
Về nguyên nhân chủ quan, việc ban hành văn bản ở các bộ ngành, địa phương mặc dù đã có chỉ đạo phối hợp, tuy nhiên cũng có những nội dung chưa được kịp thời; công tác chỉ đạo ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt; phối hợp để phát hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng bất cập thì cũng có lúc chưa kịp.
Để thực hiện tốt chương trình, ông Hầu A Lềnh cho biết Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn theo yêu cầu; kịp thời cập nhật những khó khăn để đề xuất xử lý; tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò người đứng đầu của các cấp, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai...
Bình luận (0)