Khu chế biến tại bếp ăn tập thể Công ty CP Thực phẩm Cholimex - một trong những bếp ăn đạt chuẩn. Ảnh: Thanh Nga
Ngộ độc liên tục
Tìm hiểu ở các khu nhà trọ, chúng tôi được biết trường hợp CN bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa xảy ra như cơm bữa. Một nữ CN Công ty Việt Vương (quận 12 - TPHCM) cho biết không chỉ mua thực phẩm giá rẻ ươn, thối ở các chợ tạm, CN còn có thói quen “mua một lần ăn mấy ngày”, thức ăn không được bảo quản, gặp trời nóng nực nên nhanh ôi thiu. “Để tiết kiệm tiền và thời gian, chúng tôi mua cá về kho để ăn dần. Hôm nay ăn không hết thì hâm lại, để mai ăn tiếp. Thỉnh thoảng bị đau bụng, tiêu chảy thì chúng tôi được nghỉ hưởng BHXH, lo gì!”- một nữ CN công ty V.H (quận 12) nói.
Bữa ăn ở nhà đã vậy, còn cơm tập thể cũng không khá hơn. Theo hồ sơ của các cơ quan chức năng, chiều 29-7, tại Công ty TNHH Bánh kẹo Art Tango (KCN Vĩnh Lộc - TPHCM) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 60 CN phải nhập viện. Trưa hôm đó, CN đã ăn cơm được đặt ở một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Cũng do ngộ độc thực phẩm mà 50 CN Công ty TNHH SX Thịnh Việt - Bình Dương đã phải nhập viện vào ngày 10-7.
Trước đó, chiều 5-7, hơn 100 CN Công ty TNHH Takson Vina (huyện Hóc Môn - TPHCM) phải nhập viện với các triệu chứng bị ngộ độc. Ngày 4-7, Bệnh viện quận 12 đã tiếp nhận 183 CN của 2 Công ty TNHH Trường Vinh và TNHH Quốc tế Smart Elegant (quận 12) bị ngộ độc thực phẩm. Suất ăn cho các CN trên do Công ty TNHH Tú Anh (huyện Bình Chánh - TPHCM) cung cấp. Ngày 25-6, Phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo (huyện Thuận An - Bình Dương) cũng tiếp nhận 36 CN Công ty TNHH Fujikura Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I) bị ngộ độc thực phẩm...
Suất ăn của công nhân chỉ có giá 7.000 đồng!
Hàng thịt ôi thiu ở khu chợ chiều tự phát trước cổng KCX Linh Trung 1 - TPHCM. Ảnh: Xuân Thảo
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, cho biết hằng năm, chi cục đều tập huấn kiến thức về ATVSTP và khám sức khỏe định kỳ cho những người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm ở các bếp ăn tập thể. Ngoài ra, chi cục cũng thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các bếp ăn tại doanh nghiệp để phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm. Ông Hòa đề xuất: “Để bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn cho bữa ăn CN, các KCX - KCN nên xây dựng nhiều cơ sở cung cấp thức ăn tại chỗ để CN được “ăn nóng”; hạn chế việc vận chuyển thực phẩm đường dài, tránh thực phẩm bị nhiễm vi sinh trong quá trình vận chuyển”.
Trước tình hình ngộ độc tập thể xảy ra tràn lan, Ban Quản lý các KCX - KCN TPHCM đã hỗ trợ, kết nối với các doanh nghiệp và các nhà cung cấp thực phẩm. Đến cuối tháng 8-2012, đã có 37.000 suất ăn sạch, bình ổn giá đến với CN. Song song với biện pháp này, ban quản lý, Công đoàn các KCX - KCN TP cũng xúc tiến thành lập ban kiểm tra tại từng doanh nghiệp để tự kiểm tra thịt, cá, rau cải... hằng ngày. Nếu thức ăn có dấu hiệu ôi thiu hay kém chất lượng, ban kiểm tra sẽ yêu cầu thay thế ngay. Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban Quản lý các KCX - KCN TP, nhìn nhận: “Điều này đã góp phần làm giảm ngộ độc thực phẩm tại các KCX - KCN TP”.
5 năm, gần 7.000 người bị ngộ độc Hiện cả nước có 256 KCX - KCN. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 65 KCX - KCN. Số liệu chưa đầy đủ tại hội thảo “Ngộ độc bếp ăn tập thể KCN - Thực trạng và giải pháp” cho thấy từ năm 2007-2011, cả nước đã xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể làm gần 7.000 người mắc với 6.584 ca phải nhập viện. Riêng những vụ ngộ độc riêng lẻ thì không thể thống kê dù con số này là rất lớn. |
Bình luận (0)