Theo số liệu của BHXH tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh có 233 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 120 tỉ đồng.
Gần 50% là nợ khó đòi
Cụ thể, 134 DN nợ BHXH từ 3 đến 6 tháng là hơn 5 tỉ đồng; 32 DN nợ từ 7 đến 12 tháng là 24 tỉ đồng; 67 DN nợ trên 12 tháng là hơn 76 tỉ đồng. Đặc biệt có 5 DN nợ khó thu hồi với số tiền hơn 59 tỉ đồng, chiếm hơn 49% số nợ của các DN.
Các "con nợ" BHXH, BHYT, BHTN thuộc diện khó đòi tập trung hầu hết ở các DN chế biến xuất khẩu thủy sản. Điển hình như Công ty CP Kinh doanh Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN 9 tháng cho 1.520 lao động trên 23,3 tỉ đồng; Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cái Đôi Vàm (Cadovimex) chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN 30 tháng cho 49 lao động với hơn 17,8 tỉ đồng; Công ty CP Thủy sản Cà Mau (Camimex) nợ BHXH, BHYT, BHTN 73 tháng của 523 lao động trên 16,1 tỉ đồng; Công ty CP Thực phẩm Đại Dương nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 7,9 tỉ đồng; Công ty CP Thực phẩm Thủy sản xuất khẩu Cà Mau nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 6,7 tỉ đồng...
Ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau, cho biết hiện nay tình trạng người lao động (NLĐ) khiếu nại quyền lợi do không được DN đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra như cơm bữa. "Do DN chây ì trích nộp BHXH, BHYT, BHTN nên phần lớn NLĐ nghỉ việc nhưng không được chốt sổ BHXH. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn" - ông Tiến nói.
Trụ sở Công ty CP Kinh doanh Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt
Phải khởi kiện doanh nghiệp sai phạm
Tình trạng các DN ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau nợ BHXH, BHYT, BHTN đã kéo dài nhiều năm chưa khắc phục được và có xu hướng tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2017, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN của các DN ngoài quốc doanh ở Cà Mau là khoảng 70 tỉ đồng. Trong đó, các DN chế biến thủy sản xuất khẩu nợ gần 60 tỉ đồng và 3/4 số tiền này là nợ khó đòi, ít có khả năng thu hồi của 10 DN. Năm 2018, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN của các DN tăng lên khoảng 100 tỉ đồng; trong đó có khoảng 50 tỉ đồng nợ khó có khả năng thu hồi và chủ yếu vẫn rơi vào 10 DN chế biến xuất khẩu thủy sản sử dụng nhiều lao động.
Tại phiên thảo luận kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định UBND tỉnh đã thấy sự việc này khá lâu và diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Để bảo vệ quyền thụ hưởng của NLĐ, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể, Công đoàn phối hợp vào cuộc để đôn đốc nhắc nhở, thậm chí phải xử lý đối với các DN nợ đọng BHXH. "Ngoài tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp BHXH và LĐLĐ tỉnh tập hợp hồ sơ các DN cố tình sai phạm để khởi kiện DN nợ BHXH" - ông Hải lưu ý. Nhiều đại biểu đề xuất bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền giải thích cho NLĐ hiểu rõ quyền lợi của mình thì các cơ quan chức năng tỉnh, đặc biệt là BHXH, cần phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN ngay từ đầu.
Quảng Ngãi: Hơn 500 doanh nghiệp nợ BHXH gần 160 tỉ đồng
Ngày 2-8, ông Nguyễn Công Lý, Trưởng Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tính đến hết tháng 7-2019, tại Quảng Ngãi có hơn 500 DN đang nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ với tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Trong đó, có gần 200 DN nợ từ 6 tháng trở lên, có DN nợ kéo dài gần 130 tháng. Nhiều DN có thời gian nợ đọng lâu, khi đoàn thanh tra liên ngành đến kiểm tra, DN không hợp tác. BHXH tỉnh cũng đã nhiều lần báo cáo với các sở, ngành liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết" - ông Lý cho biết thêm.
Cũng theo BHXH tỉnh, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tăng dần theo mỗi năm và xu hướng tăng mạnh trong 2 năm gần đây. Cụ thể, năm 2018, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các DN gần 100 tỉ đồng, đến nay tăng lên gần 160 tỉ đồng, gây nhiều khó khăn cho cả chính quyền và lợi ích của hàng ngàn lao động địa phương.
T.Trực
Bình luận (0)