Sáng 12-4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp.
Phiên họp thứ 2 Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng 12-4 - Video: Văn Duẩn
Sau hơn 3 tiếng thương thảo, đàm phán, trưa cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt thông qua đề xuất tăng lương tối thiểu vùng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả, 17/17 thành viên đồng ý mức tăng lương tối thiểu vùng là 6%; 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1-7-2022 đến 31-12-2023 và 2/17 thành viên đồng ý tăng từ 1-1-2023.
Mức tăng đề xuất cụ thể: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng đồng; Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; Vùng III tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng; Vùng IV, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.
Như vậy, căn cứ kết quả bỏ phiếu, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% áp dụng kể từ ngày 1-7-2022 đến 31-12-2023 sẽ được Hội đồng tiền lương Quốc gia trình để Chính phủ xem xét quyết định.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trao đổi với báo chí sau phiên họp - Ảnh: Văn Duẩn
Trao đổi với báo chí ngay sau khi phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia kết thúc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trên cơ sở đàm phán rất dân chủ, quyết liệt, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra được quyết định cũng thuyết phục các bên là mức lương tối thiểu vùng năm 2022 được tính từ ngày 1-7-2022 đến hết ngày 31-12-2023 với mức tăng là 6%.
"Với tư cách đại diện người lao động, chúng tôi mong muốn tăng lương cao hơn nữa, nhưng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dịch bệnh còn phức tạp nên mức này là sự chia sẻ của người lao động, tổ chức đại diện người lao động với doanh nghiệp. Chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ"- ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trả lời phỏng vấn của báo chí sau phiên họp - Ảnh: Văn Duẩn
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất rất cao về mức tăng lương tối thiếu vùng năm 2022. Tuy nhiên, ông Phòng cũng cho biết việc tăng lương sẽ có những ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay bởi cộng đồng doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn và mới bắt đầu phục hồi. Mức đề xuất tăng 6% được thống nhất đã là một nỗ lực lớn của 2 bên.
"Chúng tôi chưa thực sự hài lòng với mức điều chỉnh này, vì chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn điều chỉnh ở mức phù hợp từ ngày 1-1-2023, còn tăng từ 1-7-2022 thì vất vả quá, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số, kể cả chỉ số tăng trưởng"- ông Phòng nói. Ông cho rằng cộng đồng doanh nghiệp mong muốn người lao động đồng hành với chủ sử dụng lao động không chỉ trong bối cảnh năm 2022 mà những năm tiếp theo.
Bình luận (0)