Dù vậy, qua triển khai thực hiện nghị quyết, tỉ lệ doanh nghiệp (DN) có tổ chức Công đoàn (CĐ) nhưng chưa thực hiện chế độ bữa ăn giữa ca cho NLĐ còn khá cao (48,02%) và 20,12% bữa ăn giữa ca của NLĐ có giá trị thấp (dưới 15.000 đồng/suất).
Phân tích nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh sự thiếu quyết liệt của CĐ các cấp trong việc triển khai thực hiện nghị quyết, chủ DN cũng có một phần trách nhiệm khi chưa quan tâm đến bữa ăn giữa ca của NLĐ. Để tiết kiệm chi tiêu, số đông CN ngoại tỉnh thường chọn cách ăn sáng qua loa, chủ yếu là lót dạ. Ước mong của họ là có được bữa ăn giữa ca vừa no vừa đủ chất.
Chủ DN hiểu rất rõ điều này song để giảm chi phí, họ đã khoán trắng trách nhiệm cho nhà thầu cung cấp suất ăn công nghiệp. Do mức chi của DN đối với mỗi suất ăn dành cho CN quá thấp nên không ít nhà thầu và cơ sở chế biến suất ăn đã tìm mọi cách hạ thấp giá trị bữa ăn. Không hiếm cơ sở sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngộ độc tập thể hàng loạt. Điều này đã gây hại trực tiếp đến sức khỏe NLĐ. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế tại một số DN, mỗi suất ăn dành cho CN chỉ trị giá 8.000-10.000 đồng.
Ở góc độ quản lý, ông Lê Nguyên Khoa, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Khoa Nguyên (quận 11, TP HCM), cho rằng CN không thể tái tạo sức lao động với suất ăn trị giá 8.000-10.000 đồng, thậm chí 15.000 đồng. Ở công ty ông Khoa, suất ăn giữa ca có giá 20.000 đồng và thực đơn được thay đổi liên tục để giúp CN ngon miệng. Chất lượng bữa ăn giữa ca sẽ do CĐ cơ sở giám sát. Khi ký hợp đồng, công ty buộc cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ghi rõ địa chỉ mua thực phẩm, đồng thời cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe nhân viên nấu bếp để ngăn ngừa từ gốc nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
“CN được ăn ngon và nghỉ ngơi đúng cách thì mới mong tái tạo sức lao động. Do vậy, trách nhiệm của DN là phải chăm lo bữa ăn cho họ thật chu đáo” - ông Khoa bày tỏ.
Theo ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), khi thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, cán bộ CĐ cần mạnh dạn đưa vấn đề chất lượng bữa ăn giữa ca vào nội dung đối thoại. “Phải giải thích cho DN hiểu rõ tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca, xem đó là cách hành xử trách nhiệm với NLĐ. Có việc làm, thu nhập ổn định và được chăm sóc tốt, chắc chắn CN sẽ tính chuyện gắn bó lâu dài với DN” - ông Kiệt nhìn nhận.
Bình luận (0)