Để xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định thì cán bộ Công đoàn, nhất là chủ tịch, phải tạo được niềm tin với cả người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ). Mọi khúc mắc trong QHLĐ phải được giải quyết thông qua thương lượng trên cơ sở hợp tác, sẻ chia. Đó là đúc kết của nhiều cán bộ Công đoàn tại buổi khảo sát tình hình QHLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây tại TP HCM.
Chủ động, có kỹ năng
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đầu tư và Tiếp vận Mê Kông (quận 7, TP HCM), cho biết hằng năm, Công đoàn cơ sở đều phát động các phong trào thi đua gắn với việc đặc thù doanh nghiệp (DN). Với những định hướng sát sườn, phong trào không chỉ thu hút NLĐ tham gia mà còn hỗ trợ DN vượt khó, phát triển ổn định.
Công ty CP Kềm Nghĩa (KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM) là doanh nghiệp có quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả mà DN có điều kiện chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Hằng năm, trừ 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, ban giám đốc đều xét tăng lương cho NLĐ. Ngoài ra, công ty còn có nhiều chính sách khác để bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ. "Trong mọi hoạt động, Công đoàn cơ sở phải nắm thế chủ động, có như vậy mới thuyết phục được DN" - bà Hạnh nói.
Với bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Viễn Đông (quận 7, TP HCM), cán bộ Công đoàn có kỹ năng thương lượng tốt không chỉ giúp NLĐ hưởng lợi mà còn giúp hài hòa QHLĐ. Tại Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Viễn Đông, việc xây dựng nội dung thỏa ước lao động tập thể được lấy ý kiến đến từng NLĐ thông qua các trưởng bộ phận.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp, Công đoàn cơ sở sẽ tổ chức đối thoại, thương lượng với DN. Với cách làm bài bản và chặt chẽ này, kết quả thương lượng luôn cao hơn mong đợi, khi DN ngày càng có nhiều chế độ chăm lo, đãi ngộ cho NLĐ. "Thương lượng phải khéo, làm sao hài hòa lợi ích DN và NLĐ, có như vậy QHLĐ mới bền vững" - bà Quyên bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch Công đoàn Công ty Sản xuất Đồ Mộc Chiên (tỉnh Đồng Nai), cho rằng để Công đoàn cơ sở hoạt động tốt thì cán bộ Công đoàn cơ sở phải được trang bị kỹ năng, kiến thức để thương lượng, đối thoại với chủ DN. "Kiến thức thì mỗi cán bộ phải tự tích lũy, còn muốn có kinh nghiệm thì cứ xắn tay mà làm. Chủ tịch Công đoàn phải là người nói được, làm được tạo niềm tin với cả NSDLĐ và NLĐ" - bà Tin chia sẻ.
Tiếp sức cho cơ sở
Theo ông Kiều Minh Sinh, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, QHLĐ LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, để xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ, điều cốt lõi là phải đẩy mạnh cơ chế thương lượng, đối thoại, đặc biệt là thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.
Hiểu Công đoàn cơ sở sẽ gặp khó khăn trong quá trình đối thoại, thương lượng với NSDLĐ, nên hằng năm LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đều phối hợp với các ban, ngành hỗ trợ các DN có Công đoàn để thực hiện đối thoại, thương lượng, kể cả tham gia với NSDLĐ xây dựng thang, bảng lương, nội quy lao động cho DN. Tinh thần đồng hành của Công đoàn cấp trên không chỉ giúp đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở thêm tự tin trong việc thực hiện vai trò đại diện mà còn giúp DN hiểu rõ hơn về vị trí của tổ chức Công đoàn.
Từ thực tiễn giám sát tình hình QHLĐ trên địa bàn, ông Võ Khắc Bình - Chủ tịch LĐLĐ quận 7, TP HCM - cho rằng cán bộ Công đoàn cơ sở cần xây dựng niềm tin với chủ DN và NLĐ. Để làm được điều đó, Công đoàn cơ sở phải chứng minh được lợi ích do hoạt động Công đoàn mang lại cho DN. Về phía DN, cần phải tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức Công đoàn hoạt động. Mọi vướng mắc giữa NSDLĐ và NLĐ cần được giải quyết trên tinh thần cầu thị.
Ông Kiều Minh Sinh cho biết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh ở tỉnh hiện nay rất khó khăn, nhất là gỗ, dệt may, giày da. Các cấp Công đoàn Đồng Nai cố gắng thương lượng người sử dụng lao động bảo đảm việc làm cho NLĐ, biện pháp cuối cùng là tạm hoãn hợp đồng lao động. Tính đến quý I/2023, Đồng Nai giảm gần 30.000 lao động, số lao động dịch chuyển từ lao động chính thức sang phi chính thức tăng lên do việc làm không bền vững. Các DN giày da giảm giờ làm 1-2 ngày/tuần. Các DN gỗ đang cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ.
Từ thực tế này, ông Sinh đề xuất nên có cơ chế phối hợp giải quyết các cuộc ngừng việc giữa các ban ngành, đoàn thể. Ông Nguyễn Văn Cảnh, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết hằng năm, Đồng Nai có cả trăm cuộc đình công nhưng chưa có cuộc đình công nào hợp pháp. "Về lâu dài, Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, góp ý hoàn thiện chính sách để các cuộc đình công hợp pháp, đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, phải quyết liệt bảo vệ cán bộ Công đoàn cơ sở" - ông Cảnh góp ý.
Cần sự cảm thông
Dẫn chứng vụ việc xảy ra tại một DN có hàng chục ngàn công nhân (CN) ở quận Bình Tân, TP HCM cách đây không lâu, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng sự thấu hiểu và cảm thông giữa NSDLĐ và NLĐ là gốc rễ ổn định QHLĐ. Thời điểm đó, dù tiền thưởng Tết giảm nhưng tất thảy CN đều vui vẻ chấp nhận, bởi họ hiểu DN đang gặp khó khăn. Trong những tháng nghỉ việc do dịch COVID-19, công ty vẫn trả lương đầy đủ dù CN ở nhà. "Chỉ cần hiểu nhau thì mọi gút mắc sẽ sớm được giải quyết, không cần phải đàm phán hay thương lượng" - ông Tâm khẳng định.
Bình luận (0)