Nhưng, để cuộc vận động thật sự đi vào chiều sâu, góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội đất nước, cần có nhiều thay đổi tích cực hơn. Đó là nội dung chủ yếu của buổi hội thảo do Ủy ban MTTQ TP vừa tổ chức.
Đại đoàn kết toàn dân - bắt đầu từ khu dân cư
Hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã phát huy được những mặt tích cực, đi vào cuộc sống, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp trong cộng đồng dân cư; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo lan rộng trong nhân dân. Thông qua cuộc vận động, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt hơn, đời sống văn hóa ở KDC được chuyển biến rõ nét, tình hình chính trị ở cơ sở ổn định. Tại hội nghị biểu dương KDC tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2 vừa được tổ chức tại Hà Nội, TPHCM có 3 đại diện tiêu biểu là KDC văn hóa 4B, phường 11, quận 5; KDC ấp Mỹ Hòa 2, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn và khu phố 1, phường Tân Thành, quận Tân Phú. Trong đó, KDC văn hóa 4B nổi bật với việc làm từ thiện, các thành tích trong phong trào 3 giảm... Hiện khu phố không còn hộ nghèo, không còn người nghiện ma túy, có tổ trợ táng miễn phí, tổ khuyến học giúp học sinh nghèo...
Tại hội nghị biểu dương, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã khẳng định, cuộc vận động là một hướng đi đúng, phù hợp và được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Đại đoàn kết toàn dân phải bắt đầu từ KDC và cuộc vận động cần có những hình thức thích hợp, tích cực hơn trong giai đoạn hiện nay.
Còn chạy theo thành tích
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, nhìn nhận: “Toàn TP hiện có 1.765 KDC, trong đó có đến 1.301 KDC được công nhận là KDC văn hóa, KDC xuất sắc nhưng chỉ phân nửa số đó đạt yêu cầu. Việc công nhận hàng loạt các KDC văn hóa trong thời gian gần đây vô tình đã tạo nên thói quen chạy theo thành tích ở các địa phương chưa được công nhận khác”. Ngay việc công nhận “Gia đình văn hóa” - một phần quan trọng trong cuộc vận động, các địa phương cũng đua nhau công nhận cho đủ chỉ tiêu!
Cuộc vận động từ 6 nội dung nay có thêm nội dung thứ 7: xây dựng cơ sở văn hóa ở KDC như thư viện, phòng đọc sách, tụ điểm sinh hoạt văn hóa... Tuy nhiên, hiệu quả thực tế từ nội dung này lại rất hạn chế dù kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa lại rất tốn kém. Có nơi có mấy trăm đầu sách nhưng người đọc thì vắng bóng. Một đại tá về hưu, phụ trách phòng đọc sách quận Phú Nhuận không giấu được sự thất vọng: “Chúng tôi vận động sự ủng hộ của các đơn vị, kể cả mua lại những sách quý, đến nay phòng đọc có hơn nửa nghìn đầu sách, được sắp xếp và có người trông coi cẩn thận nhưng cả một quý mới chỉ có hai người đến đọc”. Đây cũng là tình hình chung cho những phòng đọc sách ở các KDC khác. Có đại biểu rất bức xúc trước sự dễ dãi trong việc công nhận KDC văn hóa. Chẳng hạn, phường Phước Bình, quận 9 được công nhận là phường văn hóa đầu tiên của TP nhưng vừa phát hiện có đến hàng trăm hộ dân khoan đồng hồ để ăn cắp nước. Phường Đa Kao, quận 1 vừa ra mắt ban chủ nhiệm phường văn hóa với quyết tâm chuyển hóa thành công địa bàn tuy nhiên tại đây chưa có đủ 80% KDC văn hóa và tình hình trật tự xã hội vẫn còn nhiều tồn tại.
Cần một sự phối hợp đồng bộ hơn
Ông Đỗ Tường Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 5, nói: “Dù vai trò trưởng ban chỉ đạo đã chuyển về cho ngành văn hóa thông tin nhưng các thành viên ban chỉ đạo cũng cần có một sự phối hợp đồng bộ, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể hơn. Việc công nhận KDC văn hóa cần phải có những tiêu chí cụ thể, đúng thực chất tình hình địa phương, không “cả nể” công nhận một cách tràn lan như hiện nay. Đồng thời hạn chế hiện tượng đua nhau ra mắt ban chủ nhiệm KDC văn hóa vừa tốn kém vừa hình thức”. Đại diện MTTQ quận 8 đồng tình và đề nghị nên xem lại tiêu chí xây dựng nhà văn hóa. Hiện TP có hơn 310 nhà văn hóa và hàng trăm phòng đọc sách với kinh phí xây dựng từ tiền đóng góp của người dân, nhưng lợi ích mang lại như thế nào vẫn chưa thể khẳng định.
Hầu hết ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là phải đẩy cuộc vận động đi vào chiều sâu, phù hợp với định hướng xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, đồng thời phát huy được truyền thống đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của dân tộc, hạn chế việc chạy theo thành tích, hình thức hào nhoáng bên ngoài. Theo ông Hồ Công Thắng, Chủ tịch MTTQ quận Thủ Đức, ban chỉ đạo từng cấp cần tổng kết, kiểm điểm đánh giá đúng mức tình hình và kết quả cuộc vận động trong gần 10 năm qua, tổ chức những hội thảo chuyên đề từng mặt của cuộc vận động, nhất là về tổ chức và phương pháp chỉ đạo, tuyên truyền mục đích và ý nghĩa của cuộc vận động đến từng người dân đồng thời hỗ trợ về kinh phí để tạo chất xúc tác cho cuộc vận động.
Bình luận (0)