Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cho rằng thời gian qua công tác bảo trợ an sinh xã hội, bao gồm BHXH, của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể khi trong vòng 7 năm (từ 2016-2023) số người tham gia BHXH đã tăng từ 13 triệu người lên 17,5 triệu người. Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ chỉ chiếm 37% dân số trong độ tuổi lao động, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đạt độ bao phủ 60% vào năm 2030.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội thảo
Trong bối cảnh đó, số người lao động (NLĐ) chọn rút BHXH một lần và ra khỏi hệ thống an sinh những năm gần đây gia tăng, tạo áp lực cho chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, các đại biểu cho rằng cần có lộ trình cụ thể để NLĐ thích ứng.
Theo đó, cần giữ nguyên quy định về rút BHXH một lần đối với NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật BHXH mới được ban hành. Đối với người tham gia BHXH sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thì có thể cho phép rút phần NLĐ đóng hoặc 50% số tiền đóng của cả NLĐ và đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách lao động việc làm theo hướng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng NLĐ lâu dài nhằm duy trì việc làm và giữ chân NLĐ ở lại hệ thống an sinh; có chính sách hỗ trợ đối với NLĐ có đủ thời gian đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, giúp họ giải quyết khó khăn trong thời gian chờ hưởng chính sách; cải cách chế độ hưu trí theo hướng quy định mức lương hưu sàn hoặc mức lương đóng BHXH tối thiểu để NLĐ khi nghỉ hưu có mức lương đáp ứng điều kiện sống tối thiểu; tăng mức hỗ trợ và quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung liên quan khác của dự thảo Luật BHXH sửa đổi như: xử lý doanh nghiệp nợ BHXH, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội, ốm đau - thai sản, BHXH cho lao động người nước ngoài…
Bình luận (0)