Hoạt động sản xuất phải được phát triển căn cơ
Sự học là một việc gắn liền với đời sống của con người. Càng học được nhiều, con người càng làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình. Với nghĩa bao hàm, xã hội chính là môi trường để con người học. Trong bước trưởng thành của một con người, xã hội ta đang phấn đấu phổ cập THCS, THPT. Việc phân cấp học trước tiên là để đánh dấu các giai đoạn trưởng thành của con người về mặt trí tuệ thông qua việc được học các kiến thức nhằm giúp con người có thể sống hòa nhập với cộng đồng. Học xong chương trình THPT, con người đã ở tuổi 18. Đó là bậc học phổ thông đối với một đời người. Vì vậy, tốt nghiệp THPT, con người đủ kiến thức phổ thông để chính thức trở thành thành viên đầy đủ tư chất của xã hội. Nhưng tốt nghiệp THPT xong thì con người vẫn chưa có nghề nào để kiếm sống, trừ trường hợp vừa học nghề vừa học kiến thức phổ thông. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, mọi người phải tìm đến một trường nghề nào đó từ lớp học nghề ngắn hạn cho đến trường trung cấp kỹ thuật, trường cao đẳng, trường đại học. Trừ trường học phổ thông các cấp ra, tất cả các trường còn lại kể trên là trường nghề. Có thể là trường nghề kỹ năng chân tay kết hợp trí tuệ có mức độ hoặc trường nghề trí tuệ trên cơ số kỹ năng và thực tiễn sản xuất của nghề.
Một lao động đủ tuổi trưởng thành tốt nghiệp bậc phổ thông mà bước ngay vào môi trường lao động bất cứ là ngành nghề gì thì đúng là tay ngang. Với sự mù tịt về nghề nghiệp ban đầu vào nghề, những người lao động này sẽ phải lần mò để làm việc. Rõ ràng, sự lần mò đó cho hiệu quả thấp, kém chất lượng, không an toàn cho sản phẩm do họ làm ra và không loại trừ cả việc không an toàn ngay cả với người lao động tay ngang này. Nói như vậy để thấy việc đào tạo nghề cho một con người sau bậc học phổ thông nên được đưa vào một loại quy ước xã hội để bản thân người lao động được xã hội quan tâm một cách thiết thực, bài bản nhằm góp phần làm cho hoạt động sản xuất của xã hội được bảo đảm, phát triển lành mạnh, căn cơ ngay từ gốc.
Trách nhiệm của doanh nghiệp và CĐ cơ sở
Một thực tế hiện nay là số người lao động tay ngang lại khá phổ biến. Rõ ràng, việc đó không phải là lỗi của họ. Xét cho cùng, đó là khiếm khuyết trong quy ước của xã hội. Bổ sung quy ước này liên quan đến hiến pháp và các định chế của Nhà nước để khắc phục sự khiếm khuyết đối với ngành giáo dục – đào tạo. Trước mắt khi chưa có sự khắc phục những khiếm khuyết ấy, theo tôi, sự học của những người lao động tay ngang này ưu tiên là học để nâng cao, mở rộng kiến thức của nghề mà họ đã dấn thân ngẫu nhiên hay duy lý cảm tính chứ không phải học bổ túc văn hóa cho hết cấp III để rồi thi tiếp vào các trường đại học (cũng là một loại trường nghề như đã nói) rồi tiếp tục hành trình tìm việc ở môi trường mới đầy rủi ro, bất ổn nhiều hơn ổn định. Nâng cao tay nghề và mở rộng kiến thức của nghề mà người lao động đang làm là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) và CĐ cơ sở. DN không chỉ đầu tư công nghệ, thiết bị mà còn đầu tư cả con người. Con người đã đầu tư vào việc sinh lợi cho DN bằng tuổi trẻ, thể lực, trí lực có khi bằng cả cuộc sống của họ. Bởi vậy, DN muốn duy trì thu nhập tất phải đầu tư cho đội ngũ công nhân. Đó là điều bình đẳng và công bằng chứ không phải là làm ơn. CĐ cơ sở có nhiệm vụ tham mưu, giúp DN thấy được cái lợi về lâu về dài này. Chúng ta, những bậc phụ huynh, những đoàn viên CĐ phải gương mẫu, đúng hơn phải thấy được vấn đề con đường vào đại học không là con đường duy nhất phục vụ đất nước, phục vụ bản thân, gia đình. Đối với việc học và đào tạo, đích ưu tiên nhắm tới là nâng cao hiệu quả lao động chứ quyết không phải là cho có danh vị, bằng cấp. Nhấn mạnh bằng cấp trở thành trào lưu xã hội thì rõ ràng là không hợp lý cho việc tồn tại và phát triển hài hòa cho xã hội.
Bình luận (0)