Thời gian gần đây, để tìm kiếm thông tin xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều người lao động (NLĐ) thường có thói quen truy cập Internet. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xuất hiện các trang web không chính thống, đăng quảng cáo với những điều kiện hấp dẫn, có dấu hiệu lừa đảo. Do vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH vừa đưa ra cảnh báo về các trang web không chính thống có biểu hiện lừa đảo XKLĐ qua mạng. Đặc biệt, với thị trường Singapore, Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu đích danh một số địa chỉ website như: http://congtyxklduytin.com; http://xuatkhaulaodongnhat.vn; http://www.agent.com.vn; http://zenco.com.vn; http://congtyxuatkhaulaodongsingapore.com...
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB-XH cấp. Pháp luật của Việt Nam không cho phép các DN đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore là một trong những thị trường khá "khó tính" trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. NLĐ nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Hiện nay, lao động Việt Nam chỉ có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass (Giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung) hoặc E Pass (Giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài trong các công việc quản lý, điều hành hoặc nghề đặc thù). Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit (Giấy phép làm việc cho lao động phổ thông).
Với mã ngành tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản, đến thời điểm này, chỉ có duy nhất kênh tuyển chọn theo chương trình VJEPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản) là hợp pháp. Hiện nay, có một số đơn vị đăng tuyển quảng cáo trên các trang web với tiêu chuẩn thấp hơn và đi theo hình thức visa du lịch hoặc du học không được cơ quan quản lý Nhật Bản cấp giấy phép lao động.
Do không đi theo con đường chính thức nên NLĐ dễ gặp rủi ro khi cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra giấy tờ. Đặc biệt, Cục Lao động ngoài nước nhấn mạnh, phía Nhật Bản kiểm soát lao động theo mã ngành điều dưỡng, hộ lý rất chặt. Nếu phát hiện sai phạm, các cá nhân tham gia loại hình này sẽ không được phép sang Nhật Bản làm việc.
Bình luận (0)