Ngày 13-7, Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ông Đào Minh Tú, Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội nghị- Ảnh: Hải Nguyễn
Trình bày tham luận tại hội nghị về vấn đề nâng cao khả năng vốn tín dụng cho những người có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, người lao động, ông Đào Minh Tú, Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết với tư cách là lãnh đạo ngành ngân hàng, trong cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân tại Bắc Giang, và đối thoại với nông dân tại Sơn La đã được nêu ra. "Một trong 10 nội dung lớn đặt ra cho Thủ tướng khi đối thoại với công nhân tại Bắc Giang là vấn đề tín dụng đen bủa vây công nhân, lao động với nhiều hệ lụy đau lòng khi công nhân tiếp cận dịch vụ này.
"Ngăn chặn và dẹp bỏ tín dụng đen là công việc, chức năng của nhiều Bộ, ngành và các cấp lãnh đạo địa phương, chứ không riêng ngành ngân hàng. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng nếu cán bộ, công nhân tiếp cận được tín dụng chính thức thì họ không phải vay tín dụng đen.
Ông Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng đã sẵn sàng chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có ngay gói tín dụng 20.000 tỉ đồng, với lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện nay để cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiêu dùng. Thời hạn vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày. "Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại buổi đối thoại với công nhân tại tỉnh Bắc Giang vừa qua. Còn các khoản vay lớn thì phải là các gói tín dụng khác"- ông Tú cho hay.
Tuy nhiên Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chủ trương có là tốt rồi nhưng để triển khai được và đi vào cuộc sống mới là điều quan trọng hơn. "Để triển khai được chương trình gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng này, ngành ngân hàng mong muốn các cấp công đoàn, đặc biệt là LĐLĐ các tỉnh, thành phố ở nơi có nhiều khu công nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được giao nhiệm vụ này có thể tiếp cận công nhân"- ông Đào Minh Tú nói.
Theo ông Tú, vai trò của các tổ chức công đoàn là giúp các tổ chức tín dụng xác nhận người vay có địa chỉ, có thu nhập để trả nợ và hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục thông qua các công nghệ. Các tổ chức công đoàn cấp cơ sở được ngành ngân hàng kì vọng đóng vai trò quyết định giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận công nhân.
"Chúng tôi sẽ làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam để khảo sát, làm thí điểm để nhanh chóng đưa chính sách vào khu công nghiệp, giúp người lao động có thu nhập thấp ổn định cuộc sống hơn. Đây sẽ là một giải pháp để thu hút lao động về khu công nghiệp và giúp người lao động tránh xa tín dụng đen"- ông Tú khẳng định.
Khẳng định tín dụng đen trong công nhân lao động là tệ nạn tương đối phổ biến, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng trước khi có hai công ty tài chính của ngân hàng Nhà nước vào làm việc thì Tổng Liên đoàn cũng đã trao đổi với hai công ty tài chính về việc này.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, hai vướng mắc lớn hiện nay là chuyện các tiệm cầm đồ trá hình cũng lấy tên công ty tài chính, nhiều chủ tịch công đoàn cơ sở lo ngại khi làm việc. Công nhân tại các khu công nghiệp cũng chưa phân biệt được các công ty tài chính chính thống và trá hình. Bên cạnh đó có một số chủ tịch công đoàn cơ sở ngại việc bởi tự nhiên phải xác nhận công nhân ở các đơn vị. Một số công ty tài chính yêu cầu phòng nhân sự có danh sách đóng dấu xác nhận. Do nhiều thủ tục nên một số công ty tài chính chưa tiếp cận được công nhân.
"Tuy nhiên trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ để các công ty tài chính có thể kí trực tiếp với công đoàn các tỉnh, thành phố, thậm chí công đoàn khu công nghiệp. "Mục tiêu là để công nhân lao động tiếp cận được với nguồn vốn chính thức"- ông Nguyễn Đình Khang nói.
Bình luận (0)