Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá mà phải bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ để họ ra nước ngoài làm việc. Điều đó được thể hiện cụ thể trong Thông tư số 21/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1-2-2022, vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ban hành.
Nhiều ngành, nghề có mức trần thù lao bằng 0
Thông tư ghi rõ, kể từ ngày 1-2, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) không được thu thù lao môi giới quá mức trần cho phép. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa DN dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá các mức quy định trong thông tư.
Thực tập sinh Việt Nam vẫn xuất cảnh sang Nhật Bản ngay cả trong mùa dịch
Theo đó, với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể như: thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải (Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc); lao động giúp việc gia đình (Malaysia, Brunei, các nước Tây Á), mọi ngành nghề (Thái Lan) có mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới được quy định là 0 đồng. Với các ngành nghề thực tập sinh (TTS) kỹ năng số 3 và lao động kỹ năng đặc định tại Nhật Bản cũng có mức trần là 0 đồng. Một số ngành nghề, thị trường có mức trần thù lao môi giới giao động từ 0,4 đến 2 tháng lương mà NLĐ ký với chủ sử dụng lao động.
Cụ thể, với thị trường Nhật Bản, lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ là 0,7 tháng tiền lương với hợp đồng 12 tháng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương với hợp đồng làm việc từ 36 tháng trở lên. Với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ với ngành hộ lý và y tá bệnh viện, trung tâm dưỡng lão là 0,7 tháng tiền lương với hợp đồng 12 tháng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương với hợp đồng từ 36 tháng trở lên. Đối với ngành nghề chăm sóc người bệnh tại gia đình, giúp việc gia đình, nông nghiệp, thuyền viên là 0,4 tháng tiền lương với hợp đồng 12 tháng và tối đa không quá 1 tháng tiền lương với hợp đồng từ 36 tháng trở lên. Với thị trường Hàn Quốc, mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ với thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,7 tháng tiền lương với hợp đồng 12 tháng và tối đa không quá 2 tháng tiền lương với hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Như vậy, với quy định chặt chẽ, chi tiết như trên, Thông tư mới của Bộ LĐ-TB-XH đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng loạn thu phí môi giới, phí dịch vụ suốt một thời gian dài của các DN dịch vụ phái cử NLĐ. Thông tin này lập tức được NLĐ, người thân của họ phấn khởi khi Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dần đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ, giúp thị trường XKLĐ dần đi vào quy củ, minh bạch và bền vững.
Rộng cửa cho người lao động
Anh Đinh Xuân Chiến (28 tuổi, quê Quảng Bình), hiện là thuyền viên đánh cá tại Hàn Quốc, cho biết năm 2018, gia đình anh phải gom góp, vay mượn mới đủ 230 triệu đồng để được sang Hàn Quốc làm việc. "Gần như năm đầu tiên làm được bao nhiêu tôi đều gửi về cho ba mẹ trả nợ dần. Giờ thì trả gần xong nhưng gánh nặng tài chính đó làm cho tôi và những đồng nghiệp người Việt tại đây phải làm ngày làm đêm không dám nghỉ để sớm có tiền trả nợ. Nếu được quy định mức trần thù lao và phí sớm thì chúng tôi không phải vay nợ vậy" - anh Chiến bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Phúc (26 tuổi, quê Long An) cũng bức xúc với mức phí chị phải bỏ ra để sang Nhật Bản làm TTS. Chị nói: "Tôi và các bạn trong nhóm đi Nhật từ giữa năm 2020 đã phải chi gần 180 triệu đồng trong khi nhiều người chỉ bỏ ra hơn 100, thậm chí có 90 triệu đồng vẫn sang đến Nhật theo hợp đồng TTS 3 năm như chúng tôi. Việc chúng tôi thiếu thông tin nên bị thu mức phí cao là một chuyện nhưng nếu có quy định rõ ràng, cụ thể như đợt này thì chúng tôi đâu có mất nhiều tiền như thế".
Theo ông Huỳnh Ngọc Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực Quốc tế Sovilaco (TP HCM), tiền dịch vụ là khoản thu của DN dịch vụ nhận được từ nước tiếp nhận lao động và từ NLĐ để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Thông tư lần này quy định rõ, cụ thể và chi tiết như vậy là bước tiến quan trọng để minh bạch hóa thị trường XKLĐ, tránh lạm thu số tiền quá lớn, vượt ngoài khả năng của NLĐ.
Theo ông Thông, cùng với quy định các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng, quy định chi tiết mức trần thù lao môi giới, mức trần phí dịch vụ sẽ là những công cụ bảo vệ NLĐ, giúp được nhiều NLĐ có hoàn cảnh khó khăn có mong muốn ra nước ngoài làm việc để thoát nghèo. "Giờ thì NLĐ có thể yên tâm ra nước ngoài làm việc khi các khoản thu đã được quy định rõ ràng. Với mức mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra tôi nghĩ sẽ mở rộng cánh cửa ra nước ngoài làm việc của nhiều NLĐ và giúp thị trường XKLĐ bức phá trong thời gian tới" - ông Thông nhìn nhận.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động
Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đóng góp quỹ mức 150.000 đồng/NLĐ/hợp đồng thay vì mức đóng 1% số thu tiền dịch vụ hằng năm để đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước như quy định trước đây. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đóng góp quỹ mức 100.000 đồng/người/hợp đồng. Đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quyết định quy định hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/trường hợp khi NLĐ phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp khi NLĐ phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác; hỗ trợ NLĐ phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ từ 7 triệu đến 20 triệu đồng/trường hợp.
Bình luận (0)