Sáng 3-7, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) đã khai mạc. Hội nghị tập trung bàn về công tác nhân sự; báo cáo của BCH Tổng LĐLĐ khóa XI trình Đại hội Công đoàn (CĐ) Việt Nam lần thứ XII; kiện toàn nhân sự BCH khóa XI; kết quả hoạt động CĐ 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và nhiều nội dung quan trọng khác…
Hơn 2.300 tỉ đồng cho đoàn viên
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, 6 tháng đầu năm, tiếp tục thực hiện chủ đề "Năm vì lợi ích đoàn viên CĐ", các cấp CĐ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm chăm lo thiết thực cho người lao động (NLĐ), trong đó chú trọng những lợi ích dành cho NLĐ là đoàn viên CĐ.
Các đại biểu được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI
Cụ thể, chương trình "Tết sum vầy" tiếp tục có bước phát triển mới, là hoạt động ghi dấu ấn của tổ chức CĐ trong việc chăm lo vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết. Đã có 3,3 triệu đoàn viên, NLĐ được chăm lo Tết với số tiền hơn 2.337 tỉ đồng; trao hơn 151.000 tấm vé nghĩa tình, tổ chức hàng ngàn chuyến xe đưa NLĐ về quê đón Tết và đón NLĐ trở lại làm việc; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa gần 500 "mái ấm CĐ". Điển hình như LĐLĐ TP HCM đã vận động 1.043 doanh nghiệp (DN) hỗ trợ vé xe cho gần 56.000 công nhân (CN) về quê đón Tết; tổ chức chương trình "Tết sum vầy" cho 600 gia đình CN không có điều kiện về quê. LĐLĐ TP Hà Nội phối hợp với chủ DN tổ chức 726 chuyến xe đưa gần 29.000 lao động về quê đón Tết.
Chương trình "Phúc lợi đoàn viên CĐ" tiếp tục được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống. Các cấp CĐ chủ động đàm phán, ký kết 337 thỏa thuận mới với các đối tác; đã triển khai đến đoàn viên và NLĐ của 70.070 CĐ cơ sở; đã có 1.260.053 đoàn viên, NLĐ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đối tác với giá trị đoàn viên được hưởng lợi tham gia chương trình là 449,1 tỉ đồng.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, CĐ đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây các thiết chế CĐ, Tổng LĐLĐ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, chăm sóc y tế... cho CN; phối hợp với 20 địa phương xác định được địa điểm đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương.
Cần sớm có Luật Tiền lương tối thiểu
Tại hội nghị, bà Trần Kim Yến, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã chia sẻ những vấn đề về năng suất lao động và tiền lương tối thiểu. Bà Yến cho biết nhiều ý kiến đánh giá năng suất lao động của chúng ta chưa cao, thậm chí thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, đánh giá chất lượng đào tạo tại nhiều trường đại học, cao đẳng chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các DN; chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp… "Có thể thấy rằng năng suất lao động không chỉ dựa vào sự nỗ lực của cá nhân NLĐ mà cần có sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục - đào tạo" - bà Yến nhấn mạnh.
Dẫn các báo cáo của Chính phủ, nguyên chủ tịch LĐLĐ TP HCM cho biết tiền lương bình quân của NLĐ năm 2017 tăng 9,3% so với năm 2016 nhưng mức tăng chủ yếu do điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng.
Theo bà Yến, dù các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia rất căng thẳng nhưng rõ ràng kết quả không làm hài lòng cả bên đại diện cho NLĐ cũng như người sử dụng lao động. "Chính vì vậy, tôi kiến nghị làm sao phải sớm xây dựng được Luật Tiền lương tối thiểu, tạo sự chủ động cho DN và CN lao động trong vấn đề tiền lương" - bà Yến bày tỏ.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận trung ương - nhấn mạnh thời gian vừa qua, tổ chức CĐ ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. "CĐ phải thực sự xứng đáng là đại diện chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên, NLĐ mà trọng tâm chính là cuộc sống của NLĐ. Theo đó, CĐ cần có tập trung để NLĐ có việc làm bền vững và thu nhập hợp lý" - bà Mai nói.
Bầu Ủy viên BCH và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Trong ngày 3-7, Hội nghị lần thứ 12 Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành kiện toàn nhân sự BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2013-2018. Kết quả, có 26 đại biểu được tín nhiệm bầu bổ sung vào BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2013-2018, trong đó có bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM. Tiếp sau đó, bà Trần Thị Diệu Thúy cũng đã được tín nhiệm bầu vào Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2013-2018.
Nắm chắc tình hình ngay từ cơ sở
Báo cáo tại hội nghị về CĐ tham gia giải quyết các cuộc ngừng việc tập thể, đình công liên quan đến an ninh - chính trị gần đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết từ ngày 9 đến 21-6, cả nước xảy ra 136 cuộc ngừng việc tập thể, tụ tập đông người với hơn 700.000 lượt CN tham gia, xảy ra tại 136 DN, chủ yếu nằm ngoài quan hệ lao động, không liên quan đến quan hệ lao động mà do tác động từ bên ngoài, CN bị lợi dụng, bị kích động, lội kéo từ việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng.
Từ những vụ việc nêu trên, Tổng LĐLĐ cho rằng các cấp CĐ cần nắm chắc tình hình CN lao động ngay từ cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động phải kịp thời, đi trước. Sớm phát hiện các vấn đề tư tưởng, tình cảm, mối quan tâm, bức xúc, sự tác động của các yếu tố bên ngoài đến CN để báo cáo cấp thẩm quyền có hướng giải quyết.
Bình luận (0)