Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện có 700.000 người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc ở các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu, Trung Đông. Đáng chú ý, có khoảng 46.600 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, trong đó thị trường châu Á với 41.044 trường hợp.
Chưa nhận thức được tác hại
Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc là 2 thị trường có số lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất, lần lượt là 24.000 và 12.245 người. Tại Nhật Bản có gần 4.800 thực tập sinh (TTS) kỹ năng bỏ trốn, các nước Trung Đông, châu Phi hơn 1.300 lao động và một số nước châu Âu cũng gần 600 người bỏ trốn. Riêng thị trường châu Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào.
Lý giải về tình trạng lao động bỏ trốn, làm việc trái phép ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng có lý do chủ quan khi NLĐ bị buộc phải chấm dứt sớm hợp đồng, về nước trước thời hạn vì sức khỏe không bảo đảm, tay nghề không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật nước sở tại. Từ đó, NLĐ đã bỏ trốn và trở thành lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp.
Thực tập sinh Việt Nam trao đổi công việc với kỹ sư người Nhật tại một nhà máy ở Nhật Bản
Vấn đề này có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp (DN) dịch vụ phái cử lao động, khi không thực hiện đầy đủ các quy trình từ tuyển chọn, tư vấn, đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho NLĐ. Họ chạy theo số lượng thay vì chất lượng khiến các chủ tiếp nhận lao động thất vọng, đánh giá thấp lao động Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NLĐ, từ đó nhiều người đã chọn cách trốn để làm "chui".
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), đánh giá có một phần nguyên nhân từ NLĐ - do nhận thức, trình độ tay nghề yếu và tác phong lao động không được đánh giá cao nên bỏ trốn.
Điều đáng buồn nhất là bản thân NLĐ không nhận thức được những tác hại, nguy hiểm khi ra ngoài làm việc trái phép. "Những NLĐ bỏ trốn không được pháp luật nước sở tại bảo vệ quyền lợi, nếu bị phát hiện, họ sẽ bị bắt giam, cấm nhập cảnh trở lại. Nghiêm trọng hơn, hành vi của họ sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam với các thị trường tiếp nhận, quyền lợi của những NLĐ khác muốn ra nước ngoài làm việc" - ông Liêm nhấn mạnh.
Truy cứu trách nhiệm hình sự doanh nghiệp sai phạm
Hiện Bộ LĐ-TB-XH áp dụng một số quy định "mạnh tay" với các DN dịch vụ phái cử lao động ra nước ngoài làm việc. DN nào đưa lao động đi mà để xảy ra số lần, số lượng lao động bỏ trốn nhiều sẽ bị dừng tuyển chọn và không được tiếp tục đưa lao động sang thị trường đó nữa. Những địa phương có lao động bỏ trốn nếu không giảm, thời gian tới sẽ dừng tuyển. Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong quản lý, giám sát và tuyên truyền cho NLĐ thực hiện đúng quy định của xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh cần các chế tài mạnh hơn để xử lý dứt điểm tình trạng lao động bỏ trốn khi tham gia XKLĐ. Trong đó có việc nghiên cứu, áp dụng nghiêm khắc hơn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với DN dịch vụ không làm tốt nhiệm vụ, chức năng để NLĐ do mình phái cử vi phạm. Truy cứu hình sự cả NLĐ có hành vi phá vỡ hợp đồng lao động, tự ý bỏ ra ngoài làm việc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh NLĐ Việt Nam và hợp tác lao động với quốc tế.
Ở góc độ DN dịch vụ, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết đơn vị đã phái cử gần 15.000 TTS sang Nhật Bản làm việc nhưng tỉ lệ bỏ trốn hay vi phạm hợp đồng gần như bằng 0. Nguyên nhân là trong gần 17 năm qua, DN luôn chú trọng đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng, tác phong, cập nhật kiến thức văn hóa, pháp luật nước sở tại… cho NLĐ. Làm cho họ có tư duy ra nước ngoài làm việc là hành trình sự nghiệp dài hạn, ngoài làm việc kiếm tiền thì rất cần nỗ lực học hỏi, rèn luyện để phát triển tương lai.
Theo ông Lanh, khi muốn ra nước ngoài làm việc, NLĐ cần tìm hiểu kỹ các chương trình XKLĐ mà Việt Nam đã ký kết, lựa chọn những công ty uy tín, nhiều kinh nghiệm và đầy đủ giấy phép hoạt động để tham gia, tránh thông qua trung gian không chính thức. "Những TTS hết hạn hợp đồng về nước, chúng tôi tiếp tục kết nối việc làm và đào tạo để họ trở thành những lao động chất lượng cao, có thể làm quản lý. Đây cũng là cách cần nhân rộng để NLĐ trở về yên tâm về công việc, từ bỏ ý định trốn ở lại làm việc bất hợp pháp" - ông Lanh nói.
Cần chế tài mạnh hơn
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, nhằm giảm thiểu lao động bỏ trốn, ngoài việc ký quỹ 100 triệu đồng như hiện nay để bảo đảm thực hiện hợp đồng, về nước đúng thời hạn, cần phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng với lao động bỏ trốn hoặc ở lại làm việc trái phép. Ngoài ra, NLĐ vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài từ 2 - 5 năm.
Bình luận (0)