“Cô ơi, bán cho con bịch bánh tráng trộn”, “Cho con thêm 2 bịch nữa cô”, “Nhanh lên cô ơi, con sắp trễ giờ rồi”… Tiếng công nhân (CN) lao xao, thúc giục làm cô bán hàng ở đường Tây Thạnh (KCN Tân Bình - TPHCM) thêm tất bật. Bên cạnh xe bánh tráng trộn là nồi bún riêu bốc khói nghi ngút, nơi những CN tụm ba, tụm bảy ăn vội trước giờ vào ca. Rồi những xe đẩy bán khoai lang luộc, bánh mì, bánh chưng, bánh tiêu… cũng tấp nập CN chen nhau mua thức ăn sáng. Một chiếc xe tải chạy qua, tuôn khói bụi mịt mù. CN vẫn thản nhiên ăn uống.
Bữa sáng “ăn cho có”
Thắt chặt chi tiêu cộng với tâm lý không xem trọng bữa ăn sáng, nhiều CN không đủ sức để làm việc. Chị Thảo, CN một công ty may ở quận Gò Vấp – TPHCM, cho biết: “Ăn uống không đủ chất mà làm việc căng thẳng nên CN hay mệt mỏi, hoa mắt, có người bị ngất xỉu khi đang làm việc”.
Bữa trưa “chỉ cầu được no”
Nếu bữa sáng “ăn cho có” thì bữa trưa tại công ty cũng chẳng khá hơn. Anh Đỗ Văn Phiên, CN Công ty Việt Trung (KCX Linh Trung 2 - TPHCM), cho biết: “Suất ăn trưa 11.000 đồng nhưng rất tệ. Có hôm 4 người chỉ có 4 quả trứng, 3 miếng thịt mỏng dính và canh rau. Mọi người cố ăn nhiều cơm với canh cho no”. Còn chị Trần Thị Thi, CN Công ty Thiên Lộc (quận 12 – TPHCM), cho biết: “Cơm trưa tại công ty, hôm thì vài lát thịt xắt mỏng với ít cọng rau muống luộc; hôm thì một quả trứng kho với thịt, canh được một chén cỏn con toàn nước. CN nào ra muộn không còn canh phải bỏ 1.000 đồng để mua. Nhiều người ăn không nổi lén nấu cơm nhà mang theo. Có hôm bị bảo vệ phát hiện, hộp cơm bị quẳng ra đường”.
Bữa ăn tối “còm cõi”
Nhiều lần ghé phòng trọ của chị Huỳnh Thị Hằng, CN Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1 – TPHCM), chúng tôi đều thấy một cảnh tượng như nhau: Thức ăn bữa ăn tối dành cho 4 người là vài con cá biển và một bó cải ngọt. Cá biển được chia làm 2 phần, một phần để cả nhà ăn bữa tối; phần còn lại, chị Hằng luộc lên để dành cho bữa trưa hôm sau. “Nhà có hai vợ chồng và hai đứa em. Giá cả cứ tăng hoài, muốn ăn uống đàng hoàng cũng không được. Đã vậy, chủ nhà trọ lại đòi tăng tiền phòng lên 80.000 đồng trong tháng tới”- chị Hằng thở dài.
Giống như chị Hằng, nấu cơm tối trở nên khó khăn với nhiều CN. Đối với những CN đã lập gia đình thì điều đó càng trở thành nỗi ám ảnh lớn hơn. Chị Nguyễn Thị Liên, CN Công ty CP Thương mại 32 (quận Gò Vấp- TPHCM), có đứa con gái đang học lớp 2. Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi ăn kham khổ thế nào cũng được chứ con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên dù tằn tiện mấy thì thỉnh thoảng vẫn phải mua ít thịt về tẩm bổ cho con”. Theo chân chị Liên về phòng trọ, chúng tôi mới cảm nhận hết sự khó khăn của vợ chồng chị. Căn phòng rộng chừng 12 m2, chỉ đủ để mấy thứ đồ dùng cần thiết. Bữa tối của gia đình chị chỉ đơn giản với 2 món: cá biển kho và canh cà rốt, khoai tây nấu suông. Đứa con gái của chị ráng nuốt cơm trong sự dỗ dành của mẹ.
Hơn 500 công nhân bị ngộ độc Trưa 25-7, một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH May thêu Liên Hưng (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân - TPHCM) làm 28 CN phải nhập viện trong tình trạng ói mửa, nhức đầu, chóng mặt và ngứa. Trong tháng 6, các vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra tại Công ty Liên Hưng, Công ty Quang Thái (quận Bình Tân-TPHCM), Công ty Wooyang Vina II (quận 12-TPHCM) khiến hơn 500 CN phải nhập viện cấp cứu. Các vụ ngộ độc trên đều có nguyên nhân từ bữa ăn trong công ty. |
Kỳ tới: Xoay xở trong thiếu thốn
Bình luận (0)