Phớt lờ thi hành án
Chị Điệp vào làm việc tại văn phòng từ ngày 1-6-2010 với hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, chức vụ là công chứng viên với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Ngày 15-3-2011, văn phòng ra quyết định cho chị Điệp thôi việc không có lý do, không báo trước mà “chỉ căn cứ vào tình hình hoạt động của văn phòng”. Ngày 14-6-2011, chị Điệp gửi đơn khởi kiện đến TAND quận Thủ Đức. Ngày 15-9-2011, TAND quận Thủ Đức đưa vụ án ra xét xử và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Điệp, hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và buộc văn phòng thanh toán cho chị Điệp khoản tiền lương chưa lãnh là 2,5 triệu đồng, bồi thường khoản tiền lương tương ứng với tiền lương trong những ngày chị Điệp không làm việc là 30 triệu đồng, bồi thường 2 tháng tiền lương là 10 triệu đồng và phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc là 3,7 triệu đồng. Tổng cộng, văn phòng có trách nhiệm thanh toán cho chị Điệp 46,2 triệu đồng. Ngoài ra, văn phòng phải lập thủ tục trả sổ BHXH cho chị Điệp trong thời gian làm việc từ ngày 1-6-2010 đến 15-9-2011.
Do văn phòng kháng cáo nhưng sau đó rút đơn nên ngày 28-12-2011, TAND TPHCM ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án lao động giữa văn phòng và chị Điệp. Quyết định cũng công nhận bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức có hiệu lực pháp luật. Sau khi văn phòng không tự nguyện thi hành án (THA), chị Điệp đã gửi đơn yêu cầu THA đến Chi cục THA Dân sự quận Thủ Đức, sau đó đơn của chị Điệp được chuyển cho Chi cục THA Dân sự quận 9 thụ lý.
Ông Lê Minh Tánh, Chi cục trưởng Chi cục THA Dân sự quận 9, cho biết sau khi nhận ủy thác từ Chi cục THA Dân sự quận Thủ Đức, đơn vị đã ra quyết định THA nhưng đại diện văn phòng không đến. Sau đó, đơn vị đã tống đạt quyết định THA nhưng văn phòng cũng không thực hiện. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Điệp, Trưởng Văn phòng Công chứng quận 9, cho rằng “đây không phải là chuyện của báo” (!).
Tài khoản không đủ tiền
Xem thường tòa án và cơ quan THA không phải là chuyện cá biệt. Một bản án khác của TAND TPHCM cũng bị phớt lờ liên quan đến vụ việc tại Công ty TNHH May mặc Chien Hua (huyện Củ Chi - TPHCM). Anh Lê Đông Mạnh, ngụ quận 5 - TPHCM, làm việc tại công ty từ tháng 11-2007 đến ngày 30-1-2011 thì công ty thông báo cho nghỉ việc mà không có quyết định, cũng không báo trước và không có lý do. Ngày 14-3-2011, anh Mạnh kiện công ty ra tòa. Qua hai cấp xét xử, bản án phúc thẩm của TAND TPHCM chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Mạnh, tuyên buộc Công ty TNHH May mặc Chien Hua phải bồi thường cho anh Mạnh tổng cộng 23,8 triệu đồng. Bản án có hiệu lực đã hơn 10 tháng nhưng đến nay, công ty vẫn không chấp hành.
Ông Nguyễn Văn Đồng, chấp hành viên Chi cục THA Dân sự huyện Củ Chi, cho biết: “Chúng tôi đã phong tỏa tài khoản ở ngân hàng của công ty nhưng tài khoản chỉ còn 4,5 triệu đồng và 180 USD. Đơn vị cũng đã tống đạt quyết định thi hành án, thậm chí các cơ quan ban ngành đến làm việc nhưng người đại diện theo pháp luật của công ty không tiếp nên chúng tôi không lập được biên bản. Chúng tôi tiếp tục thi hành bản án đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật”.
LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN HẬU, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LUẬT GIA TPHCM: Nên quy định doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ Theo quy định, doanh nghiệp (DN) có tài sản mới tổ chức THA. Người lao động đã tốn công sức, tiền bạc và thời gian để theo đuổi vụ kiện nhưng đến giai đoạn THA, DN tiếp tục chây ì hoặc không còn tài sản để THA nên người lao động tiếp tục bị thiệt thòi. Tôi đề nghị nên quy định DN phải nộp một khoản tiền ký quỹ để bảo đảm thi hành các nghĩa vụ rồi mới được cấp phép hoạt động. |
Bình luận (0)