Xóm trọ nằm trong con hẻm nhỏ tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Cư dân là người lao động nghèo từ nhiều miền quê tìm về mưu sinh. Cuối dãy trọ, căn phòng chưa đến 20 mét vuông là chỗ ở của 8 người phụ nữ bán vé số quê Phú Yên. Đặc biệt, họ đều là lao động chính trong gia đình.
Chiều tối, dáng liêu xiêu, bà Hiếu (60 tuổi) trở về gác trọ. Trên tay, xấp vé số còn dày cộm. Bà thở dài: "Dịch bệnh, vé số ế quá!". Chẳng khá khẩm hơn, chị Tuyết (38 tuổi) than thở: "Tui còn hơn 50 tờ". Nói rồi, chị Tuyết gấp gáp bê một rổ lỉnh kỉnh đậu phộng, trứng cút, xoài, cóc ra khỏi phòng. Đây là công việc làm thêm sau một ngày bán vé số của chị.
Buổi sáng bán vé số, chiều đến chị Tuyết lại chuẩn bị một rổ lỉnh kỉnh đậu phộng, trứng cút, xoài, cóc để đi bán dạo.
Không riêng gì chị Tuyết, sau giờ bán vé số, 8 người phụ nữ ở đây đều phải tìm thêm việc khác để làm. Mỗi ngày, họ đều ra khỏi phòng từ lúc sáng sớm và kết thúc công việc khi con phố đã ngủ yên. Tết cận kề, ngoài những háo hức đoàn viên, họ phải gánh trên vai không ít lo âu về những khoản chi tiêu cho gia đình.
"Cơn bão Cô vy" quét qua, công việc mưu sinh vốn đã không dễ dàng của họ lại càng thêm khó khăn. "Do dịch bệnh, mỗi ngày bán vé số, tụi tui kiếm chưa tới 100.000 đồng. Trừ tiền nhà 12.000/ngày, tiền ăn, uống, đi xe buýt nữa thì không còn bao nhiêu. Nên ai cũng phải tranh thủ kiếm thêm việc khác làm, ráng dành dụm tiền về quê. Ngày thường đói cũng được nhưng đến Tết trong nhà phải có nồi măng kho, cái bánh tét để cúng ông bà" - ngồi ở góc phòng, vừa ăn hộp cơm chay được cho từ ban sáng, bà Hiếu vừa tâm sự.
Tết cận kề, ngoài những háo hức đoàn viên, họ phải gánh trên vai không ít lo âu về những khoản chi tiêu cho gia đình.
Tết Việt gắn liền với ý nghĩa đoàn viên. Cuộc sống mưu sinh dù vất vả nhưng mỗi người tha hương đều mong muốn được về quê, sum họp vào những ngày Tết đến, xuân về. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công nhân, người lao động mất việc đã phải gác lại giấc mộng đoàn viên.
Một chiều giáp Tết, trong căn phòng trọ trống hoắc nằm tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, thoáng chút ưu tư, anh Hoàng Nhân (quê Quảng Nam) tâm sự: "Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty cắt giảm nhân sự, tôi buộc nghỉ việc từ mấy tháng trước. Đến nay vẫn chưa kiếm được việc ổn định nên chỉ làm bán thời gian cho một quán ăn. Dành dụm, tích cóp nhưng đến giờ vẫn chưa đủ tiền về quê".
Thấu hiểu khó khăn của những người lao động tha hương, bà Ngô Thị Thơm chủ một xóm trọ tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã hỗ trợ 100% tiền phòng trong 2 tháng trước và sau Tết.
Bà Thơm chia sẻ: "Số tiền phòng tôi miễn giảm thực sự cũng không quá nhiều, chỉ mong có thể chia sẻ chút gánh nặng cho những người con xa xứ trong mùa dịch này để họ có thể yên tâm tiếp tục lao động". Ngoài ra, để động viên, an ủi những người không có điều kiện về quê đón Tết, bà Thơm còn gửi tặng cho các gia đình nhiều phần quà là nhu yếu phẩm để giúp công nhân xa quê có một cái tết ấm áp, đủ đầy.
Nhiều chủ nhà trọ sẵn sàng miễn, giảm tiền thuê phòng hay phát những phần quà an ủi động viên những công nhân, người lao động khó khăn không có điều kiện về quê ăn Tết - Ảnh: Hữu Nhật
Thấy chủ nhà trọ trực tiếp đến thăm, tặng quà, ông Trần Sơn (quê Bình Định) không khỏi xúc động: "Năm nay ảnh hưởng của đại dịch nên thu nhập của tôi giảm đáng kể. May mắn được bà Thơm miễn giảm tiền phòng nên tôi vui lắm. Tết năm nay tôi sẽ không về quê nhưng cũng có thêm chút tiền để gửi cho mẹ già và con cháu ở quê dịp Tết" - ông Sơn nghẹn ngào.
Cách dãy trọ bà Thơm không xa, dãy trọ 8 phòng của ông Bùi Quyết Chiến (đang cho thuê 1 triệu đồng/tháng) cũng thông báo giảm 50% tiền phòng dịp Tết.
Tết này, xóm trọ nằm trên đường Lê Thị Hà (huyện Hóc Môn, TP HCM) của bà Nguyễn Thị Mười (quê Hà Tĩnh) cũng đông vui hơn vì có tới 15/20 phòng ở lại TP HCM ăn Tết. Vui hơn, khi chủ nhà trọ thông báo sẽ giảm 50% tiền phòng sau Tết. Giao thừa, chủ trọ sẽ tổ chức cho mọi người nấu bánh chưng và ăn Tết cùng nhau.
Bình luận (0)