Tại hội nghị do LĐLĐ TP tổ chức vào ngày 26-9, nhiều ý kiến cho rằng: Chính sách nghỉ dưỡng sức còn nhiều vướng mắc cần phải điều chỉnh kịp thời.
Thủ tục BHXH có thông thoáng hơn
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Vifon - đặt vấn đề: Nếu kết hợp chi nghỉ dưỡng sức cho NLĐ suy giảm sức khỏe vào chế độ nghỉ mát hàng năm hoặc chi vào chế độ bồi dưỡng tại chỗ có được không? Ông Cao Văn Sang - Phó Giám đốc BHXH TP - giải thích: Bộ Tài chính và BHXH VN hướng dẫn thực hiện chế độ này cũng chỉ quy định chứng từ để thanh toán là mẫu C04-BH/NDS kèm danh sách xét duyệt NLĐ được nghỉ dưỡng sức do Công đoàn (CĐ) và thủ trưởng đơn vị ký. Nhiều doanh nghiệp (DN) dân doanh chưa có tổ chức CĐ thì chỉ có ý kiến của người sử dụng lao động là đủ. Vấn đề là phải đảm bảo NLĐ có đi nghỉ và việc lựa chọn trong đơn vị phải công bằng để tránh khiếu kiện. Việc kết hợp cho đối tượng đi nghỉ dưỡng sức với nghỉ mát của đơn vị là không có gì sai.
Về đối tượng nghỉ dưỡng sức, ông Sang cũng nói thêm: Nơi nào nộp đủ 20% BHXH thì được hưởng nghỉ dưỡng sức (vì có được hưởng trợ cấp thai sản, ốm đau). Trong quá trình vận dụng, đơn vị cần lưu ý đối tượng được nghỉ vì lý do suy giảm sức khỏe mới yêu cầu phải có đủ 3 năm tham gia BHXH trở lên, còn NLĐ sau khi điều trị do ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ thai sản sức khỏe còn yếu thì không buộc phải đủ 3 năm tham gia BHXH, thậm chí mới tham gia BHXH 1 tháng cũng vẫn được hưởng.
Nhiều đại diện DN đặt vấn đề: Những đơn vị không tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ hoặc các trường hợp không có ý kiến của cơ sở y tế có được nghỉ dưỡng sức không? Theo ông Sang, điều cơ bản là đơn vị phải tự xét duyệt sao cho thật sự công bằng giữa những NLĐ trong đơn vị, BHXH không đòi hỏi các chứng từ này.
Nên cho NLĐ tiếp tục hưởng lương
Trong công văn hướng dẫn nghiệp vụ, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH khẳng định: Trong thời gian nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, NLĐ không làm việc nên không được hưởng lương. Ông Phạm Ngọc Đoàn - Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp - bức xúc: Đã 6 năm nay, NLĐ không được nghỉ dưỡng sức, đến nay được nghỉ lại không được hưởng lương, chắc chắn NLĐ sẽ phản ứng. Bà Phạm Thị Cúc - ủy viên BCH CĐ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP - so sánh: Ngành giáo dục có thời gian dài nghỉ hè ở nhà còn được hưởng nguyên lương, nay vì bệnh phải nghỉ dưỡng sức lại bị trừ lương thì quá bất hợp lý.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP - chỉ ra bất hợp lý tồn tại trong chính sách nghỉ dưỡng sức như: Quyết định 37 quy định tổng kinh phí mỗi năm dành cho chế độ nghỉ dưỡng sức bằng 3% tổng số tiền thực nộp BHXH trong năm, như vậy chắc chắn phải có con số lẻ. Nhưng BHXH chỉ quyết toán con số tròn (vì một định suất nghỉ là 50.000 đồng - 80.000 đồng/ngày) nên nhiều đơn vị sẽ không được hưởng hết 3%. Về tiền lương, ông Chính nói đối tượng nghỉ vì bị suy giảm khả năng lao động thì nên được đơn vị cho hưởng lương thời gian. Trên thực tế, nhiều DN vẫn sẵn sàng trả lương cho NLĐ trong thời gian nghỉ dưỡng sức, Bộ LĐ-TB-XH nên có hướng dẫn mở về vấn đề này.
Kết thúc hội nghị, vẫn chưa có câu trả lời về trường hợp những đơn vị có ít lao động, kinh phí trong năm không đủ cho một NLĐ đi nghỉ dưỡng sức, vậy có được cộng dồn sang năm sau hay không? Đại diện nhiều đơn vị cũng bất đồng với quy định tiền chi nghỉ dưỡng sức không được chuyển sang năm sau. Theo họ, cách phù hợp là cho phép sử dụng tiền chưa sử dụng của năm kế tiếp, quá 2 năm không sử dụng hết mới bị cắt.
Bình luận (0)