“Lấy lý do công ty tái tổ chức và cơ cấu lại văn phòng, tổng giám đốc yêu cầu tôi phải nghỉ việc ngay trong ngày, dù tôi đã thông báo tôi đang mang thai”. Đây là nội dung chính trong đơn khiếu nại của bà Lê Thị Kiều Ngân (Công ty Blue Cross VN, 100% vốn Philippines, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm du lịch, bảo hiểm sức khỏe, quận 1 – TPHCM) vừa gửi các cơ quan chức năng TPHCM. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp xem việc xâm phạm quyền lợi lao động nữ như trên là bình thường!
Bà Lê Thị Kiều Ngân (trái) trình bày vụ việc tại Báo Người Lao Động
Có thai thì mặc có thai!
Bà Ngân bắt đầu làm việc cho Công ty Blue Cross VN vào tháng 2-2008. Tháng 1-2009, hai bên giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, công việc bà Ngân phải làm là nhân viên hành chính. Đến tháng 4-2010, hai bên tiếp tục giao kết phụ lục hợp đồng, theo đó, tiền lương của bà Ngân được điều chỉnh từ 7,56 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng. Mọi việc đang bình thường thì vào ngày 1-11, ông Gary E.H Dawson, Tổng Giám đốc Công ty Blue Cross VN, yêu cầu bà Ngân phải nghỉ việc ngay với lý do như đã nêu trên.
Mặc cho bà Ngân trước đó đã thông báo mình đang có thai, ông Gary E.H. Dawson vẫn giữ nguyên quyết định. Khi bà Ngân khiếu nại và cung cấp chứng cứ chứng minh mình đang mang thai, công ty lại “khắc phục hậu quả” bằng cách hủy quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước đó và bố trí bà Ngân làm công việc khác với mức lương chỉ còn 3,5 triệu đồng/tháng (chỉ bằng gần 40% tiền lương trước đó). Bà Ngân bức xúc: “Nếu chấp nhận làm việc khác với mức lương thấp hơn thì chẳng khác nào tôi bị kỷ luật lao động. Do đang mang thai nên tôi rất khó xin việc làm khác trong lúc này. Tôi biết làm gì để sinh sống và nuôi con?”.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Gary. E.H. Dawson cho rằng công ty mới hoạt động 2 năm và bị lỗ. Do công ty thật sự khó khăn nên buộc phải giảm chỗ làm. Nếu không cắt giảm chỗ làm của một người thì có thể ảnh hưởng đến cả công ty. Nếu nhận bà Ngân trở lại thì cũng không còn chỗ làm trước đây nên công ty chỉ có thể bố trí cho bà Ngân làm tiếp tân. Và với công việc đó thì tiền lương 3,5 triệu đồng là tương xứng!
Không thích thì cho nghỉ
Một vụ việc cũng đang được các cơ quan chức năng của TPHCM quan tâm đó là trường hợp một trường tiểu học dân lập tại quận Tân Bình - TPHCM đơn phương chấm dứt HĐLĐ với một số bảo mẫu. Các nhân viên cho biết khi ký HĐLĐ, công việc bảo mẫu chỉ là chăm lo cho các em học sinh, thế nhưng mới đây nhà trường lại yêu cầu họ phải làm thêm công việc vệ sinh nhà cửa... Cho rằng các công việc này không đúng với thỏa thuận khi ký HĐLĐ, một số bảo mẫu đã có ý kiến. Thế là hôm sau, nhà trường đơn phương chấm dứt HĐLĐ với hai nhân viên mà không nêu lý do. Làm việc với chúng tôi mới đây, đại diện nhà trường cho rằng các nhân viên bảo mẫu trên vi phạm nội quy song lại không cung cấp nội quy lao động hay bảng mô tả công việc để chứng minh họ vi phạm nội quy hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận 9 - TPHCM cũng vừa xảy ra tranh chấp lao động tập thể với lý do: Trưởng phòng nhân sự tùy tiện đặt ra quy định chấm dứt HĐLĐ đối với tất cả nữ công nhân mang thai vì ngại họ mang bầu sẽ làm việc không hiệu quả! Điều đáng nói, vị trưởng phòng nhân sự ấy cũng là phụ nữ!
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM:
Sẵn sàng hỗ trợ pháp lý
Pháp luật lao động có nhiều quy định ưu tiên cho lao động nữ, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với họ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp không coi trọng quy định của pháp luật, sẵn sàng sa thải, chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ. Trường hợp của các lao động trên, hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa để được bảo đảm quyền lợi. Nếu những lao động trên khởi kiện, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ pháp lý. |
Bình luận (0)