Phan là giám đốc công ty của cháu tôi. Mới trước Tết tôi còn nghe đám bạn của cháu ta thán, nhiếc móc, trù ẻo Phan đủ điều khi anh ta không đồng ý tăng lương cho anh em công nhân thêm mỗi người 150.000 đồng. Hôm đó khi tôi ghé qua khu nhà trọ của cháu ở quận 12, TP HCM, tụi nó nhờ tôi hướng dẫn viết cái đơn kiến nghị xin tăng lương. Tôi hướng dẫn xong, tụi nó đãi tôi một chầu nhậu rượu chuối hột với khô cá lưỡi trâu. Đang nhậu, một cậu thanh niên bỗng kéo tôi đi vào góc phòng. Cậu ta chỉ cho tôi… cái bàn thờ khói hương nghi ngút, giọng bí hiểm: “Tụi cháu trù cho thằng chả chết quách cho rồi, thứ đồ gì mà ác nhơn thất đức”.
“Thằng chả” chính là giám đốc Phan. Đám thanh niên lấy bức ảnh ông ta chụp trong hội nghị người lao động đặt lên bàn thờ. Tôi rầy: “Sao lại trù ẻo người ta như vậy? Dẹp đi”. Tôi không biết sau đó thế nào cho đến khi nhận được tin ông giám đốc nọ qua đời vì đột quỵ.
Hỏi ra thì cái chuyện đột quỵ của giám đốc Phan cũng bị thêu dệt ít nhiều. Mấy đứa công nhân trẻ truyền tai nhau, giám đốc và phó giám đốc đi công tác ngoài Nha Trang, hai người ở hai phòng VIP tại khách sạn. Chẳng biết làm gì mà nửa đêm, có một cô gái hớt hãi báo cho nhân viên phục vụ là người đàn ông ở cùng phòng với cô ta đột ngột bị co giật, tím tái, trào đờm… Ông ta đã chết trên đường đi cấp cứu.
Đây là chuyện anh em thêu dệt, không biết độ chính xác đến đâu. Tuy nhiên, có một số vụ việc mà ai cũng biết là có thật khiến cho tình cảm của anh chị em công nhân dành cho giám đốc bị giảm sút thê thảm. Gần đây nhất là vụ thương lượng tăng lương bất thành.
Cháu tôi kể, trong cuộc họp hôm đó, sau khi giám đốc viện đủ lý do để không tăng lương, trong đó có lý do tài chính khó khăn, mọi người phải thắt lưng buộc bụng, triệt để tiết kiệm… thì đột ngột chị nhân viên kế toán đứng dậy phát biểu: “Tôi thấy giám đốc nói như vậy là không thỏa đáng. Nếu kêu gọi anh em công nhân tiết kiệm thì ban giám đốc phải làm gương, nhưng trong thực tế thì ngược lại. Tôi lấy ví dụ như chuyện giám đốc và phó giám đốc đi gặp đối tác ở Đà Nẵng tháng 9 năm ngoái, thay vì ở chung phòng cho đỡ tốn kém thì hai người lại ở 2 phòng khách sạng hạng 5 sao, giá mỗi đêm gần 1.000 USD. Hay như thanh toán hóa đơn tiếp khách gần đây nhất cho thấy mỗi lần tiếp khách, chỉ riêng tiền rượu đã mấy chục triệu, những chai rượu có giá trên 10 triệu đồng là bình thường… Nên tiết kiệm những khoản ấy chứ không phải chăm chăm cắt giảm phụ cấp độc hại, trang bị bảo hộ, bồi dưỡng làm đêm và các khoản khác của công nhân”.
Cô kế toán phát biểu xong, không khí lặng như tờ. Sau đó mọi người ào ào như ong vỡ tổ. Đích thân chủ tịch hội đồng quản trị, cũng đồng thời là anh vợ của giám đốc Phan, phải chạy xuống để trấn an công nhân. Ông hứa sẽ xem xét thỏa đáng, nếu cần sẽ thay giám đốc.
“Thật sự là ổng chết, tụi cháu cũng thấy áy náy vì mình đã trù ẻo ổng, nhưng làm giám đốc mà ác quá, chẳng biết thương công nhân thì… chết cũng đáng. Bảo đảm với chú, ngoài vợ ổng ra, chắc không có ai thương ổng”- thằng cháu tôi có vẻ nghĩ ngợi.
Đúng là làm lãnh đạo không dễ, cũng giống như làm dâu trăm họ, có người yêu thì cũng có kẻ ghét. Thế nhưng trong câu chuyện của giám đốc Phan, tôi bỗng nghĩ, giá mà sống nhân ái, chân thành, vì người thì khi chết đi được nhắc nhở, tiếc thương cũng tốt hơn là chết rồi mà vẫn bị nguyền rủa.
Bình luận (0)