Năm 1992, chị vào Trường chuyên biệt Tương Lai làm tạp vụ với công việc quét dọn, rửa chén bát, lau cầu thang, vệ sinh toilet... Hai năm sau, chị lấy chồng và sinh được một con gái. Chồng chị cũng làm công tại một cửa hàng đá cẩm thạch. Cuộc sống bấp bênh khi phải ở trọ nay đây mai đó. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn ấy, ban giám hiệu nhà trường cho chị vào ở nhờ căn gác xép của trường. Năm 2006, trong lần khám sức khỏe của trường, chị bị phát hiện u lá lách phải cắt bỏ. Hơn 8 tháng ra vào Bệnh viện Truyền máu Huyết học, bao nhiêu tiền dành dụm hàng năm trời bỗng chốc tiêu tan, gia đình chị lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Khó khăn thêm chồng chất khi năm 2011, chồng chị mất vì bệnh lao phổi. Năm 2012, chị xin nghỉ việc ở trường. Khoản tiền trợ cấp ít ỏi hơn 30 triệu đồng cũng đi theo căn bệnh của chị.
Con nhỏ, hai mẹ con không biết bám víu vào đâu, chị đành xin quay trở lại trường làm việc theo dạng hợp đồng để có nơi tá túc và có tiền nuôi con ăn học. Mới đây, sức khỏe ngày một kém dần, chị không còn đủ sức bưng bê, quét dọn nên xin nghỉ hẳn và phải dọn ra ngoài ở trọ. Cô con gái nhỏ cũng gác lại ước mơ vào đại học để đi làm kiếm tiền lo thuốc thang cho mẹ. Nhắc đến con, chị nói trong nước mắt: “Tội nghiệp con bé, nó cứ bảo tôi nghỉ ngơi. Nghe con nói sẽ cố gắng đi làm để lo cho mẹ và dành dụm tiền để năm sau thi lại đại học mà tôi càng thương”. Không thương sao được khi thu nhập từ việc bán hàng ở một shop thời trang của con gái chị chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, vừa đủ để hai mẹ con trả tiền thuê phòng trọ”.
Thương mẹ bệnh tật, tan giờ làm là con gái chị, em Hồ Thị Mai Xuân, vội vã chạy về nhà trọ để chăm sóc, đỡ đần việc nhà. Sự sẻ chia của con gái khiến chị Sương thêm ấm lòng. Mai Xuân bộc bạch: “Nếu mẹ có chuyện gì, em biết nương tựa vào ai? Giờ em chỉ mong mẹ hết bệnh để sống lâu với em”.
Chia tay chúng tôi, em nói chỉ mong tìm được một chỗ trọ giá rẻ để tiết kiệm chi tiêu và có dư chút ít để lo thuốc thang cho mẹ.
Bình luận (0)