Đào tạo cán bộ lãnh đạo từ CN ưu tú
Để khắc phục thiếu sót, tồn tại trong thực hiện Chương trình 17-CTr/TU và triển khai thực hiện 3 đề án đã được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thông qua trong tháng 7-2003, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng cần tổ chức quán triệt làm thông suốt nhận thức tư tưởng trong cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên về trách nhiệm xây dựng GCCN vững mạnh ở từng địa phương, đơn vị, cơ quan mình; xem việc xây dựng GCCN TP vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị xã hội; tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Các cấp ủy và chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo xây dựng GCCN; các đoàn thể chính trị xã hội phát huy mọi khả năng, tích cực tham gia thực hiện công tác này... Từ nay đến cuối năm 2005 cần quan tâm xây dựng đội ngũ CN ở địa phương, đơn vị mình trên các mặt sau: Tập trung nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật cho CN. Phấn đấu tổ chức 100% công nhân lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp (DN) có tổ chức CĐ được phổ cập kiến thức cơ bản; 60% CNLĐ học chương trình chính trị cơ bản; 50% CN ưu tú học chương trình sơ cấp chính trị; 100% CNLĐ được phổ cập kiến thức cơ bản về pháp luật; tổ chức cho ít nhất 400 CN được theo học chương trình trung cấp chính trị. Thường xuyên nâng cao trình độ học vấn và nghề nghiệp, thực hiện “trí thức hóa CN”, xem việc xây dựng đội ngũ CN lành nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng ổn định việc làm, vị thế của CN. Phấn đấu đến cuối năm 2005 có 45% CNLĐ đạt trình độ trung học phổ thông (riêng CN các ngành nghề kinh tế chủ lực đạt 100%); bảo đảm tốc độ đào tạo nghề tăng bình quân 4%/năm để đến năm 2005 số người được đào tạo ngành nghề chuyên môn đạt 40% tổng số lao động, trong đó 20% có tay nghề từ bậc 3/7 và tương đương trở lên. Tăng cường đào tạo cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, cán bộ quản lý và phát triển đảng viên mới từ CN ưu tú, tăng thành phần CN trong đội ngũ lãnh đạo các cấp, ngành.
Ít nhất 70.000 chỗ ở cho CN vào năm 2005
Thành ủy TPHCM cũng chỉ thị các ngành chức năng có liên quan phối hợp với địa phương để từ nay đến cuối năm 2005 tập trung đầu tư xây dựng hoàn tất ít nhất 70.000 chỗ ở nhằm đáp ứng một phần nhu cầu bức xúc về nhà ở của CNLĐ, trước hết là địa bàn có đông CNLĐ như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị Nam Sài Gòn và quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi.
Lãnh đạo Thành ủy giao cho Ban Cán sự Đảng UBND TP chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, Đảng đoàn LĐLĐ TP có trách nhiệm cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện đề án “Nâng cao trình độ học vấn và tay nghề cho CN”, đề án “Chính sách và giải pháp thực hiện chủ trương xã hội hóa phát triển nhà ở, nhà trọ cho CN”; Đảng đoàn LĐLĐ TP phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tư tưởng- Văn hóa Thành ủy, Ban Thường vụ Thành đoàn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện đề án “Giáo dục, bồi dưỡng nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật cho CN”; các cấp ủy, tổ chức Đảng có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, đơn vị mình khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện các đề án trên.
Trước đó, ngày 24-7, Văn phòng Thành ủy đã có thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về chính sách, giải pháp thực hiện chủ trương xã hội hóa phát triển nhà ở, nhà trọ cho CN. Theo đó, TP cần tập trung mọi nỗ lực thực hiện cho bằng được chương trình đầu tư xây dựng nhà cho thuê hoặc bán trả góp để giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở của CNLĐ. Đến cuối năm 2005, phấn đấu giải quyết 30% nhu cầu (khoảng 70.000 chỗ ở). Để đạt được mục tiêu này, Ban Thường vụ Thành ủy giao cho Ban Cán sự Đảng UBND TP tiến hành kiểm tra, điều chỉnh lại hoặc phê duyệt mới các quy hoạch khu công nghiệp phải có đủ diện tích đất để xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi cho CN; quy định trách nhiệm của các chủ DN, nhất là các DN lớn có đông CN trong việc chăm lo xây dựng nhà ở cho CN. Các chủ dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải dành một phần quỹ nhà, quỹ đất để xây dựng chung cư, nhà lưu trú cho CNLĐ được mua, thuê. Khuyến khích mọi cá nhân có điều kiện, khả năng xây dựng nhà trọ cho CN thuê; xây dựng chính sách hỗ trợ đầu vào bằng cách tạo các điều kiện về đất, về vốn, về thuế... đối với các dự án xây dựng nhà ở cho CNLĐ có thu nhập thấp. Đây là cơ sở để TP quy định chặt chẽ về quy chuẩn nhà, giá bán, giá cho thuê, đối tượng và phương thức mua trả góp (có sự tham gia của tổ chức CĐ) nhằm bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và người lao động. Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển nhà ở để huy động các nguồn lực hỗ trợ CNLĐ, người có thu nhập thấp có thể vay để mua nhà trả góp.
Bình luận (0)