Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có văn bản cho phép doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động tuyển dụng lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ sang Đài Loan làm việc.
Văn bản trên được ban hành sau khi Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam và Bộ Lao động Đài Loan thống nhất kế hoạch nối lại hợp tác cung ứng, tiếp nhận 2 loại hình lao động trên.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, chỉ những DN qua đăng ký hồ sơ được cơ quan này chấp thuận và được phía Đài Loan cấp phép mới được tuyển chọn lao động GVGĐ và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ sang Đài Loan.
Đối với lao động GVGĐ (bao gồm giúp việc nhà và chăm sóc người bệnh tại gia đình), thời hạn hợp đồng là 3 năm, lương tối thiểu 17.500 TWD/tháng, khoảng 12 triệu đồng; được chủ sử dụng bố trí ăn, ở miễn phí và chi trả ít nhất 1 lượt vé máy bay đi hoặc về.
Trên hợp đồng phải thể hiện rõ các chế độ, quyền lợi của NLĐ. Cụ thể, NLĐ được nghỉ 1 ngày/tuần; nếu làm thêm ngày nghỉ được hưởng phụ cấp 583 TWD/ngày (khoảng 400.000 đồng); bị bệnh, ốm thông thường mà không phải do tai nạn lao động được hưởng 50% tiền lương cho những ngày nghỉ làm; được hưởng 7 ngày nghỉ phép cho mỗi năm làm việc (quy đổi phụ cấp nghỉ phép bằng 100% lương). Ngoài ra, NLĐ tham gia BHYT đầy đủ, được chủ sử dụng mua bảo hiểm rủi ro với mức bồi thường tối thiểu 300.000 TWD (khoảng 210 triệu đồng).
Tổng chi phí lao động GVGĐ phải nộp là 2.036 USD/người (chưa bao gồm ký quỹ theo quy định với mức tối đa 800 USD/người), trong đó phí dịch vụ tương đương 1.000 USD, phí môi giới 400 USD và một số chi phí khác. Đối tượng tuyển nằm trong độ tuổi từ 25 đến 45.
Đối với thuyền viên tàu cá gần bờ, mức lương tối thiểu theo hợp đồng 19.273 TWD (khoảng 13,5 triệu đồng), chưa kể phụ cấp khác theo quy định đối với loại hình lao động này. Tổng chi phí phải nộp 1.550 USD (chưa bao gồm ký quỹ), trong đó phí dịch vụ tương đương 620 USD, phí môi giới 400 USD. Đối tượng tuyển có độ tuổi từ 20 – 40.
Đài Loan là thị trường XKLĐ lớn nhất của Việt Nam, với 150.000 người đang làm việc theo hợp đồng, trong đó chủ yếu ở lĩnh vực công xưởng.
Trước đây, trên 60% lao động Việt Nam tại Đài Loan làm việc ở lĩnh vực GVGĐ và khán hộ công (chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế). Tuy nhiên do tỉ lệ lao động bỏ trốn quá cao nên từ tháng 1-2005, Đài Loan ra quyết định dừng tuyển lao động GVGĐ của Việt Nam. Vì lý do tương tự, từ tháng 5-2004, thuyền viên tàu cá gần bờ của Việt Nam cũng bị dừng tuyển sang Đài Loan.
Với việc sau 10 năm nối lại tuyển dụng 2 loại hình lao động này, đặc biệt là GVGĐ, Cục Quản lý Lao động ngoài nước dự báo trong những tháng cuối năm, số lượng lao động Việt Nam sang Đài Loan tăng đáng kể.
Bình luận (0)