“Nạn nhân bị quấy rối tình dục (QRTD) phần lớn là lao động nữ tuổi từ 18 đến 35 tại các doanh nghiệp (DN) có đông lao động. Khi bị quấy rối, nạn nhân không biết chia sẻ với ai vì họ lo lắng có được giải quyết không hay là mang họa vào thân? Nhiều người còn không biết pháp luật có quy định về vấn đề này”. Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Việt Nam, phát biểu như vậy trong hội thảo Phòng chống QRTD tại nơi làm việc do ILO cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây tại TP HCM.
Ai cũng có thể bị quấy rối
Theo bà Nguyễn Kim Lan, QRTD là hành vi mang tính chất gợi dục bằng lời nói hoặc gửi email, tin nhắn, đưa ra những hình ảnh bậy bạ, sự đụng chạm, sờ mó, xúc phạm đối tượng bị quấy rối. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI), cho rằng việc quấy rối không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, năng suất lao động của nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến môi trường lao động, mất uy tín của DN và có nguy cơ mất người lao động.
Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm về chống quấy rối tình dục tại hội thảo
Bà Doãn Thị Ngọc, giảng viên Bộ môn Giới và Chính trị xã hội Trường ĐH Hoa Sen, kể một người bạn của bà bị sếp quấy rối nhưng chẳng biết than thở, chia sẻ với ai. Cuối cùng, người ấy chọn cách xin nghỉ việc. Một người bạn khác, có kiến thức về QRTD, bị đồng nghiệp quấy rối nhưng vì người đồng nghiệp này được sếp coi trọng, có chức sắc trong cơ quan nên chị đành im lặng chịu đựng. Nhiều đại biểu nhìn nhận tệ nạn QRTD âm thầm, len lỏi khắp nơi. Không chỉ lao động nữ mà cả nam cũng bị quấy rối. Có rất nhiều nữ chủ doanh nghiệp thích nam nhân viên trẻ, khỏe, đẹp trai và sẵn sàng gạ gẫm, đổi chác. Để minh chứng cho điều này, anh N.M.T (nhân viên một công ty tại quận 9, TP HCM) kể: “Lúc mới ra trường, tôi xin vào làm việc ở một công ty có giám đốc là nữ ngoài 50 tuổi. Một hôm, bà bảo bình nước nóng lạnh của nhà mình bị hỏng và nhờ tôi đến sửa giùm. Lúc tôi đang sửa máy trong phòng tắm thì bà xuất hiện chỉ với chiếc khăn choàng mỏng manh. Tôi hoảng sợ bỏ về. Những ngày sau, bà tiếp tục tìm cách gần gũi, tôi né tránh thì sếp tỏ ra khó chịu, gây khó dễ. Sợ quá, tôi quyết định nghỉ việc”.
Cần quy định cụ thể hơn
Ở Việt Nam, QRTD là hành vi không mới nhưng đáng chú ý bởi lần đầu tiên quy định “nghiêm cấm QRTD tại nơi làm việc” được đưa vào khoản 2, điều 8 Bộ Luật Lao động năm 2012. Mục c, khoản 1, điều 37 cũng quy định người lao động bị QRTD có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khoản 1, điều 183 nghiêm cấm QRTD đối với người lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, luật còn bỏ trống định nghĩa “thế nào là QRTD” cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm phòng ngừa QRTD; thủ tục khiếu nại, tố cáo, biện pháp khắc phục.
Tuy vậy, bước đầu cũng đã có DN đưa quy định cấm QRTD vào nội quy lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Ông Võ Văn Minh Thủy, Phòng Quan hệ lao động Công ty TNHH Đông Phương (Đồng Nai), cho biết: “DN cam kết xây dựng một môi trường lao động an toàn, lành mạnh nên QRTD cũng được đưa vào nội quy lao động. Khi có chuyên gia Đài Loan đến làm việc, trước tiên, DN tổ chức tập huấn về văn hóa để tránh các trường hợp đáng tiếc. Công nhân mới vào làm cũng được tập huấn thế nào là hành vi quấy rối, những hành động nào được phép và không được phép”. Ông Thủy cũng cho biết nội quy công ty quy định rõ người vi phạm về QRTD sẽ bị kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng hoặc cách chức. Còn Công ty CP Quốc tế Phong Phú thì quy định dù là cấp quản lý, trưởng bộ phận hay nhân viên, nếu bị kết luận là QRTD sẽ bị kỷ luật từ khiển trách đến sa thải.
Một số kinh nghiệm
- Đưa quy định về cấm QRTD vào nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể.
- Xây dựng các quy định, chính sách nội bộ của DN về phòng chống QRTD tại nơi làm việc.
- Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên và tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn thể người lao động trong DN về phòng chống QRTD và quy định, chính sách của công ty.
Bình luận (0)