Cách đây một tuần, khi nhận được phần tiền lương còn lại của tháng 8-2009, nhiều công nhân (CN) Công ty TNHH Thiên Hộ (quận Thủ Đức - TPHCM) xúc động bày tỏ: “Nếu các anh chị bên LĐLĐ quận không can thiệp kịp thời, chưa chắc chúng tôi đã đòi được tiền lương của mình”.
Để có được kết quả này, gần như trọn ngày 23-9, các cán bộ LĐLĐ quận Thủ Đức đã túc trực ở công ty để giám sát việc thanh lý tài sản.
Theo sát cơ sở
Tranh chấp tại Công ty TNHH Thiên Hộ khởi phát từ tối 22-9, khi gần 200 CN bao vây giám đốc đòi lương tháng 8-2009 sau khi nghe tin công ty sẽ đóng cửa. Bức xúc của CN càng gia tăng khi giữa Công ty TNHH Thiên Hộ và đối tác nước ngoài phát sinh tranh chấp quyền sở hữu máy móc, thiết bị.
Các thông tin trên đã được LĐLĐ quận Thủ Đức cập nhật và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết.
Đại diện LĐLĐ quận Thủ Đức-TPHCM giám sát việc thanh lý máy móc để trả nợ lương công nhân tại Công ty TNHH Thiên Hộ. Ảnh: K.AN
Ông Nguyễn Văn Băng, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức, cho biết: “Từ diễn biến tranh chấp, LĐLĐ quận xác định vấn đề tiền lương của CN phụ thuộc vào việc ai là chủ sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, một mặt chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng quận hỗ trợ ngăn ngừa tẩu tán máy móc; một mặt đề nghị hai bên tranh chấp phải thương lượng giải quyết dứt điểm việc tranh chấp quyền sở hữu máy móc”.
Từ chủ trương này kết hợp với việc vận động, thuyết phục của LĐLĐ quận Thủ Đức, cuối cùng, 200 CN Công ty Thiên Hộ đã được giải quyết 300 triệu đồng tiền lương tháng 8-2009.
Ông Lâm Chu Chính, giám đốc công ty, cũng cam kết giải quyết tiền lương tháng 9-2009 cho CN vào ngày 12-10; đồng thời, làm thủ tục chốt sổ BHXH cho CN.
Nắm bắt thông tin, tăng tính chủ động
Với một địa bàn “nóng”, thường xuyên xảy ra tranh chấp như quận Bình Tân -TPHCM, việc thiết lập cơ chế thông tin hai chiều với CĐ cơ sở, sau đó cử cán bộ “có nghề” xuống hỗ trợ giải quyết tranh chấp là cách làm rất hiệu quả.
Bà Trần Thị Thiếu Liên, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, chia sẻ kinh nghiệm: “Nguồn thông tin thu thập được, tùy tính chất và độ “nóng” của tình hình, LĐLĐ quận sẽ phân loại và phân công cán bộ giải quyết. Nhờ vậy, nếu tranh chấp xảy ra, việc giải quyết sẽ dễ dàng, nhanh chóng”.
Việc chủ động tìm mọi cách nắm bắt thông tin từ cơ sở đã giúp LĐLĐ các quận, huyện nắm bắt được những bức xúc của CN, từ đó có giải pháp phù hợp để sớm can thiệp, bảo vệ quyền lợi CN. Đây cũng là biện pháp để giải quyết bức xúc của CN từ gốc; đồng thời ngăn ngừa những phát sinh trong trường hợp tranh chấp lao động diễn biến phức tạp. Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM |
Mới đây, sau khi nhận được 300 triệu đồng tiền lương tháng 8-2009, hơn 160 CN Công ty TNHH Toàn Á đã gởi lời cám ơn chân thành đến LĐLĐ quận. Cũng với cách làm này, LĐLĐ quận 12 - TPHCM đã giúp hàng trăm CN ở hai công ty An Phát và Ân Thiên Hoàng nhận được đầy đủ tiền lương, trợ cấp.
Một kênh thông tin hiệu quả khác được các cấp CĐ tận dụng triệt để là hệ thống tổ CN tự quản ở các khu nhà trọ. Thông qua việc tư vấn pháp luật, LĐLĐ các quận, huyện vừa nâng cao kiến thức pháp luật cho CN nhập cư vừa nắm bắt được bức xúc của CN.
“Qua các buổi tư vấn trực tiếp, chúng tôi hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của CN, từ đó đề nghị CĐ cơ sở quan tâm phối hợp với DN giải quyết”- ông Lê Văn Vũ, cán bộ chuyên trách LĐLĐ huyện Hóc Môn – TPHCM, cho biết như vậy.
Bình luận (0)