Từ ngày 9 đến 20-2, Ủy ban MTTQ ba cấp các địa phương tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ trước khi lựa chọn danh sách chính thức những người tham gia ứng cử đại biểu HĐND ba cấp nhiệm kỳ 2004-2009. Phóng viên Báo NLĐ đã phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, về một số nội dung liên quan đến cuộc bầu cử quan trọng này.
. Phóng viên: Thưa ông, đâu là những điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu HĐND ba cấp lần này?
- Ông Phạm Thế Duyệt: Điểm mới của kỳ bầu cử lần này là danh sách đề cử, ứng cử sẽ được lấy ý kiến ở các khu dân cư, thôn, tổ, ấp...đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, tránh tình trạng hình thức như trước kia. Tức là, không thể triệu tập cử tri theo kiểu lựa chọn ông A, bà B, ông C..., cộng lại đủ 30 người rồi gọi là cử tri - để dễ đồng tình một chiều - mà phải mời càng đông đảo cử tri càng tốt. Một điểm mới khác ở kỳ bầu cử nhiệm kỳ này là đảng viên có thể tự tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp.
. Nhưng thưa ông, theo quy định số 55 QĐ/TW, ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị, một trong 19 điều đảng viên không được làm là “tự ứng cử hoặc tự nhận đề cử đại biểu QH, HĐND, UBND... khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép”?
- Đối với những cương vị chủ chốt như bí thư, chủ tịch UBND, HĐND các cấp dứt khoát phải do cấp ủy giới thiệu. Những đảng viên khác, nếu được MTTQ, đoàn thể nhân dân tín nhiệm giới thiệu để bầu vào HĐND hoặc được đại biểu HĐND giới thiệu bầu vào các chức danh trong HĐND, UBND thì đảng viên có quyền nhận hoặc không nhận mà không coi đó là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Chủ trương này đã được cụ thể hóa ở Chỉ thị 31 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 26-11-2003) về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp 2004-2009.
. Được biết, Ủy ban Trung ương MTTQ VN vừa có văn bản gửi Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ những trường hợp không được phép giới thiệu ứng cử và tự ứng cử. Đó là những trường hợp nào, thưa ông?
- Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã đề ra 6 nội dung mà những cá nhân “dính” vào một trong 6 nội dung này đều bị coi là không đủ tư cách đại diện cho nhân dân, không đưa vào danh sách chính thức của Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, gồm: 1- Người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử, bất kể ai, trong quá trình lấy ý kiến cử tri thấp, không đủ 50%. 2- Người có vi phạm pháp luật đất đai như lấn chiếm đất đai, cấp đất trái thẩm quyền, mua bán đất đai trục lợi. 3- Người vi phạm pháp luật khác, đã có đơn tố cáo, đã được cơ quan có thẩm quyền có kết luận dù chưa bị xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Những trường hợp dù chưa có kết luận nhưng chứng lý đã rõ ràng cũng không đưa vào danh sách. 4- Những cá nhân lãnh đạo bị tố cáo có hành vi tham ô, tham nhũng, trù úm, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mà đang bị kiểm tra, thanh tra, điều tra, đến Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba (dự kiến từ ngày 17 đến 21-3) chưa kết luận được thì cũng không đưa vào danh sách bầu cử. 5- Người thiếu trung thực trong việc khai lý lịch, khai man bằng cấp, chứng chỉ học tập, bằng giả. 6- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương để xảy ra nhiều vụ tiêu cực, gây dư luận xấu trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đã bảo đảm chủ trương “1 giảm, 6 tăng”. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ chú tâm vào việc bảo đảm tỉ lệ cơ cấu, đôi khi sẽ rơi vào tình trạng gò ép, không đủ tiêu chuẩn dẫn đến chất lượng của cơ quan quyền lực không cao?
- Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đã bảo đảm tỉ lệ số đại biểu nữ ứng cử tối thiểu 25%, đại biểu ngoài Đảng chiếm tỉ lệ ứng cử tối thiểu 15%. Số đại biểu trúng cử/ứng cử nhiệm kỳ này, đến nay bảo đảm tỉ lệ 1/1,89 cao hơn 1/1,8 của nhiệm kỳ trước. Đồng thời cũng bảo đảm chủ trương “1 giảm, 6 tăng”: giảm số đại biểu là cán bộ ở các cơ quan hành chính nhà nước; tăng số lượng đại biểu trẻ tuổi, đại biểu nữ, đại biểu là người ngoài Đảng, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu tôn giáo, đại biểu đại diện cho thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Việc bảo đảm cơ cấu rất cần thiết, nó bảo đảm cho tiếng nói của mọi thành phần. Tuy nhiên, việc áp dụng sẽ không cứng nhắc mà vẫn coi chất lượng - tiêu chuẩn người ứng cử là chính.
. Vấn đề cử tri rất quan tâm-mà bất cứ cuộc bầu cử nào cũng vướng phải-đó là giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tư cách người ứng cử đại biểu HĐND. Vậy công việc tiếp nhận, xác minh sẽ được thực hiện ra sao?
- Điều khiến tôi lo lắng nhất là tại các hội nghị hiệp thương, Ủy ban MTTQ các cấp có thể vì nể nang mà không thực hiện chặt chẽ 6 nội dung để xem xét tư cách người ứng cử mà Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã đề ra. Nếu thực hiện chặt chẽ thì không thể xảy ra việc khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, trong quá trình, có vấn đề cử tri nêu lên, vụ việc đối với ứng cử viên nào thì sẽ phải xác minh để trả lời MTTQ. Nếu trong quá trình hiệp thương mà có đơn thư tố cáo đối với người ứng cử, MTTQ sẽ chuyển cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý người đó để xác minh. Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử phải xác minh xong để MTTQ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Việc giải quyết đơn thư chỉ tạm dừng trước ngày bầu cử (25-4) 10 ngày (15-4).
Bình luận (0)