Ngày 19-8, tại TP Long Xuyên, Ban Tuyên giáo trung ương đã phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học "Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam". Đến dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng đại biểu các bộ - ngành và các nhà khoa học.
Thủ lĩnh của giai cấp công nhân
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định những bài học kinh nghiệm từ hoạt động và cống hiến của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân (CN) và Công đoàn (CĐ) Việt Nam là hết sức quý báu.
Từ khi còn trẻ, người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng đã rời quê hương cù lao Ông Hổ - nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên - và trở thành CN khi đặt chân đến Sài Gòn. Trải qua nhiều công việc để vừa làm công vừa học việc, Bác Tôn tiếp xúc với nhiều thành phần dân cư nên thấu hiểu nỗi cơ cực của người lao khổ phải làm thuê, bị bóc lột, bị mất tự do và bị khinh rẻ bởi thực dân tư bản.
Buổi hội thảo về Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại An Giang
Bác Tôn đã hòa mình trong các phong trào đấu tranh của CN và người lao động (NLĐ) để chống lại bọn thống trị, đòi lại quyền lợi chính đáng về kinh tế, chính trị. Từ đó, Bác tích lũy cho mình nhiều vốn sống phong phú và kinh nghiệm hoạt động. Bác còn sang tận Pháp gặp gỡ, giao lưu và tiếp cận CN nước này để hiểu rõ hơn về bản chất bóc lột của thực dân, đế quốc và số phận của các dân tộc bị áp bức. Đó chính là lý do để Người kiên quyết ủng hộ nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới là nước Nga Xô viết, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười. Cũng chính từ hoạt động thực tiễn mà Bác đã bộc lộ bản lĩnh, khả năng lãnh đạo, xây dựng được uy tín đối với quần chúng để tìm ra phương pháp phù hợp nhằm dẫn dắt quần chúng đấu tranh.
Bài học quý báu nữa chính là Bác Tôn luôn coi trọng tổ chức cơ sở để phát huy sức mạnh tập thể của CN và phong trào của giai cấp vô sản. Trong hoạt động thực tiễn và kinh nghiệm của mình, Bác đã nhận ra vai trò của tổ chức trong việc tập hợp, đoàn kết NLĐ lại với nhau. Những thắng lợi của phong trào CN qua Cách mạng Tháng Mười Nga, các cuộc bãi công Ba Son và Trường Bá Nghệ… càng khẳng định nhận thức đó của Bác Tôn là chính xác và càng thêm củng cố niềm tin của Người về một giai cấp có tổ chức.
"Công hội bí mật ra đời vào năm 1920 đã trở thành tổ chức chính trị đầu tiên của giai cấp CN Việt Nam, góp phần vào việc phát triển phong trào CN ở Sài Gòn - Chợ Lớn bước vào thời kỳ mới - thời kỳ giai cấp CN nhận thức rõ và khẳng định sức mạnh của mình" - ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Vì dân, vì nước; giản dị, mẫu mực
Theo PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã thể hiện tinh thần không màng danh lợi, sớm bộc lộ lòng yêu nước, thương dân, không ngại gian khó, dấn thân vì con đường cách mạng.
Từ những năm tháng đấu tranh cách mạng gian khổ, từ những tháng năm trong ngục tù cho đến những ngày giữ các cương vị cao, quan trọng của Đảng và nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn thể hiện và giữ nguyên phong cách sống bình dị, không màng vật chất, tràn đầy tình yêu thương anh em, đồng bào. Trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, Bác vẫn không thay đổi hình ảnh và lối sống vì dân, vì nước. Lối sống giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành tấm gương sáng chói, mẫu mực cho các thế hệ cách mạng noi theo, học tập.
Là người giữ chức vụ lãnh đạo cao trong Đảng và nhà nước nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng không quên công việc mình từng làm trong thời gian là CN và hoạt động cách mạng. Người vẫn giữ vững cái búa, cái kìm, vẫn tự sửa chiếc xe đạp của mình. Với cương vị của Bác, việc ấy lẽ ra là của những người giúp việc, những người bảo vệ. Đó là sự giản dị và tiết kiệm điển hình.
Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời; tinh thần vì dân, vì nước của Chủ tịch Tôn Đức Thắng không bao giờ nhạt phai trong bất kỳ hoàn cảnh nào. "Lối sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, ghét sự xu nịnh, bè phái, chia rẽ, cơ hội chủ nghĩa, không tham quyền cố vị, chí công vô tư, vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà phấn đấu, hy sinh đã tạo nên huyền thoại Tôn Đức Thắng. Bác là tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng noi theo" - PGS-TS Lê Quốc Lý khẳng định.
Khí chất Nam Bộ
Ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang, bày tỏ: "Hình ảnh Bác Tôn phản chiếu đầy đủ tính cách, khí chất, phong thái và nét văn hóa đặc sắc không lẫn vào đâu được của người Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Đó là chất hào sảng, trọng nghĩa khinh tài, bao dung độ lượng, hết lòng vì bạn bè, vì đồng chí, dũng cảm, mưu trí, đạp bằng mọi khó khăn, trở ngại vì nghĩa lớn".
Bình luận (0)