Tại hội thảo về nhân sự do EduViet tổ chức mới đây, bà Đỗ Vũ Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Doji, cho rằng đối với nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đào tạo nhân lực chỉ được coi là chi phí vận hành. Vì vậy, họ chưa quan tâm đến nguồn lực tại chỗ. Không được tạo điều kiện học tập và rèn luyện, người lao động (NLĐ) khó lòng trụ lâu với DN.
Ngại đào tạo
Theo bà Phương Anh, sự e dè của DN chính là nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn của thị trường lao động. Thực trạng NLĐ không có niềm tin vào DN, người sử dụng lao động chỉ dám đầu tư nhỏ giọt để nâng chất đội ngũ lao động và không chia sẻ chiến lược phát triển với nhân viên vẫn là vòng luẩn quẩn chưa tìm ra “chìa khóa”.
ThS Đặng Thị Hương - giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội - cho biết tính đến tháng 9-2013, cả nước có khoảng 42.460 DN giải thể, ngừng hoạt động; khoảng 200.000 DN làm ăn thua lỗ. Hầu hết các DN nhỏ và vừa không lớn lên mà có xu hướng thu hẹp quy mô. Trong mọi hoàn cảnh, vốn nhân lực vẫn là yếu tố có tính cạnh tranh, góp phần mang lại hiệu quả kinh doanh bền vững. Song, khác với DN nước ngoài, đa số DN trong nước chưa nhìn nhận đúng vai trò của nguồn nhân lực khi coi việc quản trị nhân lực đơn thuần là tuyển đủ người, giao việc và trả lương. Bà Hương đánh giá: “Nhận thức của lãnh đạo DN có vấn đề khi lựa chọn cắt giảm nhân sự lúc khó khăn. Cách làm này khiến nhân viên “mất lửa” và chán nản”.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhân sự, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đào tạo Sunriseat, cho rằng tinh thần lạc quan, nhiệt huyết của nhân viên trẻ thường mau chóng bị những suy nghĩ tiêu cực và những nhân viên bi quan trong DN nhấn chìm. Điều này trở thành vấn đề đáng lo ngại cho sự phát triển của DN.
Phải nhìn vào nhu cầu tương lai
Trước những bất ổn trong quan điểm đào tạo của DN nhỏ và vừa, nhiều chuyên gia, lãnh đạo DN cho rằng đầu tư nguồn lực tại chỗ chính là biện pháp cốt lõi để phát triển.
TS Nguyễn Đăng Minh - giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội - giải thích: “Thực tế, 90% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hữu hạn. Hơn nữa, sự gắn kết giữa nhân viên với tổ chức ở các DN tương đối thấp. Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh cho DN, các hoạt động quản trị nhân sự phải chú trọng hơn nữa vào việc tạo động lực và mối gắn kết trong trong nhân viên”.
Theo ông Nguyễn Trọng Thôn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô, để đối phó với khủng hoảng, lãnh đạo công ty này đã đốc thúc các phòng - ban khuyến khích nhân viên đóng góp ý tưởng, giải pháp kinh doanh. Những bộ phận có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện các ý tưởng để áp dụng vào thực tế. Từ cách làm hiệu quả trên, Tập đoàn Hà Đô đã bảo đảm được vốn đầu tư, việc làm cho người lao động.
Các DN lớn luôn có lợi thế hơn trong việc tìm và giữ người tài. Tuy nhiên, cơ hội sẽ mở ra nếu các DN nhỏ và vừa có chiến lược phát triển nhân sự đúng đắn. Ông Keng Chong Yan, đại diện Học viện Đào tạo và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng DN nên chia sẻ trung thực, khách quan tình hình của công ty để cùng nhân viên tìm hướng giải quyết, thắt chặt mối liên hệ giữa NLĐ và DN. “Tuyển dụng lao động giỏi khác với lao động bình thường. Nhà tuyển dụng không nên để nước đến chân mới nhảy, phải nhìn vào nhu cầu tương lai để có sự chuẩn bị lâu dài về nguồn nhân lực” - ông Keng Chong Yan nói.
Khảo sát của Cộng đồng nhân sự Việt Nam (www.hrlink.vn) tại 437 DN trên toàn quốc cho thấy có 69,3% DN xây dựng kế hoạch đào tạo nhưng chỉ 19,7% trong số đó ban hành quy chế đào tạo. Theo khảo sát trên, các DN chưa chú trọng nhiều đến việc đánh giá hiệu quả đào tạo.
Bình luận (0)