Tại Hội thảo "Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự và những vấn đề cần hướng dẫn thi hành" do TAND Tối cao phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức ngày 4/1, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm không chỉ thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội, mà còn cho thấy các hành vi phạm này có tính chất phổ biến và gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội.
Hành vi phạm tội ngày càng tinh vi
Hiện nay, quy mô quỹ BHXH, BHYT, BHTN tương đối lớn. Hiện số người tham gia BHXH chiếm khoảng 30,4% số người trong độ tuổi lao động, số người tham gia BHYT chiếm khoảng 88% dân số cả nước. Hằng năm, quỹ BHXH, BHYT chi trả cho 190 triệu lượt người hưởng.Theo ông Ánh, các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Những hành vi vi phạm đó nếu chỉ xử lý hành chính thì không đủ sức răn đe, mà cần phải xử lý hình sự để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.Từ năm 2016 đến nay, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN diễn biến phức tạp. Các hình thức trục lợi quỹ BHXH của các cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện…
Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng nhiều.Trước tình hình trên, cơ quan BHXH đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Cơ quan BHXH đã cung cấp đầy đủ cho tổ chức công đoàn danh sách, hồ sơ các đơn vị nợ BHXH để phục vụ khởi kiện. Tuy nhiên, việc khởi kiện của tổ chức công đoàn vẫn gặp nhiều khó khăn do quy định về việc ủy quyền của người lao động, quyền khởi kiện của các tổ chức công đoàn trong các văn bản liên quan khó thực hiện và nhiều điểm chưa rõ.Ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao cho biết, ở góc độ thi hành Bộ luật Hình sự, sau hơn 1 năm Bộ luật có hiệu lực thi hành vẫn chưa khởi tố vụ án nào, dù cơ quan BHXH đã gửi gần 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra. Theo ông Tùng, một trong những nguyên nhân là do quy định của Bộ luật Hình sự còn có những điểm chưa chi tiết, cần phải có văn bản hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất, nếu không sẽ vướng mắc khi triển khai vào thực tiễn.
Cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn
Qua thực tiễn thi hành pháp luật hình sự thời gian qua, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế BHXH Việt Nam Nguyễn Hòa Bình đề nghị, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến bảo hiểm như: Dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; thống nhất cách hiểu khái niệm "trốn đóng", hành vi "gian dối" và "thủ đoạn khác";Hồ sơ, tài liệu cần thiết phục vụ công tác điều tra tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; quy trình chuyển giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan công an; vai trò cơ quan BHXH trong thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự…Nghị quyết cần hướng dẫn để thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm, tình tiết là yếu tố định tội, định khung hình phạt trong các điều luật, như: Gian lận BHXH, BHTN, BHYT; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt…
Xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động
Đối với tội gian lận BHXH, BHTN cần xác định rõ phạm vi BHXH bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, xác định thế nào là "chiếm đoạt" tiền bảo hiểm và hướng dẫn cụ thể việc xác định số tiền chiếm đoạt…Mặc dù Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội quy định không xử lý hình sự đối với tội phạm mới quy định tại Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự đối với hành vi thực hiện trước thời điểm 0h ngày 1/1/2018, nhưng các ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng nên nhắc lại và xác định rõ hướng xử lý bằng biện pháp hành chính hay dân sự. Đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHTN cho người lao động thì xác định đây là khoản nợ đọng và giải quyết theo quy định về quản lý thu bảo hiểm.(theo BHXH Việt Nam)
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!