xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa thấy cái xứ nào kỳ cục như xứ này!

Thảo Ly

(NLĐO)- Cha của cô bạn tôi nói: "Chưa thấy cái xứ nào mà kỳ cục như xứ này. Có mấy cây số mà đi lâu hơn mấy trăm cây số".

Chẳng biết cơn cớ gì mà ông già lặn lội vô thăm con gái đúng vào hôm Sài Gòn vào cao điểm "ùn ứ" giao thông. Bị mắc kẹt trên xa lộ Hà Nội mấy tiếng đồng hồ, khi ông về đến nhà trọ của con gái thì đã gần 10 giờ đêm.

Hôm đó Hương tăng ca đến hơn 21 giờ, cũng vừa mới về tới đang nằm xãi lai dưới sàn nhà vì mệt. Trông thấy cha, cô hốt hoảng lồm cồm bò dậy: "Ủa tía, sao tía vô trễ vậy?". Mặt ông già hầm hầm. Ông quăng mấy thứ đang mang vác trên tay xuống đất: "Tao đi từ sáng mà giờ mới tới. Chưa thấy cái xứ nào mà kỳ cục như xứ này. Có mấy cây số mà đi lâu hơn mấy trăm cây số".

 

img

 

Trong lúc Hương lăng xăng rót nước, mở quạt cho cha và giục tôi đặt dùm ấm nước để nấu mì cho ông ăn thì ông già đưa mắt ngó quanh. Phòng trọ có 3 đứa nhưng cô bạn kia có việc nên nghỉ phép về quê mấy ngày nay, chỉ còn tôi với Hương ở lại. "Tum húm vầy mà ở được đó hả? Thua cái chuồng heo nhà tao"- ông già hớp ngụm nước rồi nói, giọng bực bội.

Hai đứa tôi đưa mắt nhìn nhau, có lẽ Hương cũng nghĩ giống như tôi: Không biết tối nay cho ông già ngủ ở đâu? Chưa kịp nói ra suy nghĩ thì ông già lại hỏi tiếp: "Mướn cái phòng này bao nhiêu mỗi tháng?". Tôi nhanh nhảu: "Dạ, hai triệu đồng. 3 đứa tụi con chia nhau. Điện nước xài bao nhiêu tính bấy nhiêu". Tôi vừa dứt lời, ông già quắc mắc: "Còn một đứa nữa hả? Tao nói đâu có sai, tụi bây ở còn thua cái chuồng heo nhà tao".

Hai đứa tôi thay phiên nhau xoa dịu cơn giận vô cớ của ông già bằng cách nói rằng ở như vầy cho tiết kiệm, rằng nơi khác còn đắt hơn, rằng ăn nhiều chứ ở bao nhiêu... "Với lại tụi con đi làm từ sáng tới tối mịt mới về, có ở nhà mấy đâu tía? Mướn làm chi chỗ rộng rãi, tốn tiền"- Hương vừa nói, vừa lắc lắc cánh tay cha.

Ông già hất tay con gái ra: "Vậy chớ đi làm từ sáng tới tối thì tiền lương được bao nhiêu?".

Tôi và Hương lại đưa mắt nhìn nhau, sau đó Hương lí nhí: "Dạ, được gần 5 triệu...". Không chờ nghe con gái nói hết câu, ông già đứng bật dậy: "Dọn quần áo theo tía về quê liền. Tưởng đi làm xa nhà, vất vả thì kiếm được nhiều tiền, ai dè không bằng đi làm cỏ, xịt thuốc, hái cà phê trên quê. Chưa kể, ở nhà với tía má còn được cơm bưng, nước rót tới tận miệng; nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, không khí trong lành. Chưa kể, không bao giờ có cái thứ gọi là kẹt xe như ở đây...".

 

img

 

Nghe cha nói một thôi, một hồi, Hương mếu máo: "Ở trển buồn chết được tía ơi, hỏng có bạn bè gì hết". Ông già cắt ngang: "Mày sống cho mày hay cho bạn bè? Thôi, nghe lời tía, về phụ tía má làm rẫy, nuôi gà vịt, sống thanh bần mà yên ổn, có chất lượng đó con". Giọng ông già đã dịu xuống.

Nhưng Hương lắc đầu: "Không được đâu tía ơi, con thích ở dưới này hơn. Sài Gòn đông, vui, hợp với đám trẻ tụi con; còn ở trên quê chỉ thích hợp với mấy người già như tía má". Vừa nghe con nói vậy, ông già bỗng nổi tam bành: "Đồ trứng mà đòi không hơn rận. Tía nói về là về. Vô lấy quần áo về liền trong đêm chớ để mai lại kẹt xe nữa".

Thấy cha làm dữ, Hương líu ríu chui vào sau tấm ri đô hốt mớ quần áo đang treo trên vách rồi quay ra: "Không được đâu tía ơi. Con muốn nghỉ thì phải xin phép chớ đâu có nghỉ ngang được". Ông già giật mớ quần áo trên tay con gái: "Khỏi cần phép tắc gì hết, tao nói nghỉ là nghỉ". Nhưng Hương trì lại: "Thôi, tía về trước đi, vài bữa nữa lãnh lương rồi con về".

Thấy tình hình căng thẳng, tôi vội lên tiếng mời ông già ăn mì cho nóng, nhưng ông gạt ngang: "Không có ăn uống gì hết, tao biểu con Hương đi về". Cô bạn tôi nghẹn ngào: "Sao bữa nay tía kỳ vậy? Sao tự nhiên biểu con về? Hồi trước tía cho đi thì con mới đi chớ bộ?".

Chừng như thấy cũng tội nghiệp con gái nên ông già dịu giọng: "Ừ thì tía có chối đâu? Hồi trước tía cho con đi là vì muốn cuộc sống của con tốt đẹp hơn, cũng giống như ông nội và tía ngày xưa phải ly hương để mưu sinh... Nhưng thực tế thì sao? Con sống vất vả, khổ cực hơn ở nhà thì vô đây làm gì? Về đi con. Nghe lời tía. Ở chỗ nào mà mình thấy vui vẻ thì ở chớ đâu nhất thiết phải là chốn phồn hoa...".

 

img

 

Cuối cùng thì hai cha con cũng đạt được thỏa thuận: Chờ vài hôm nữa lãnh lương xong thì Hương sẽ xin nghỉ. "Mày hứa với tía rồi thì đừng có bẻ chĩa nghen, nếu không tía đập chết"- ông già đe con gái trước khi nuốt vội tô mì đã nguội ngắt, nở thè lè.

Rồi thì ngày lãnh lương cũng đã tới. Cái ngày mà từ trước tới giờ chúng tôi mong chờ từng phút, từng giây bỗng trở nên đáng ghét vô cùng. "Rồi giờ tính sao?"- tôi hỏi Hương. Cô bạn buồn rầu: "Lỡ hứa với tía rồi, không về là không được nhưng mà về trên đó thì buồn chết đi được. Ở đây tuy vất vả, cực khổ đủ điều nhưng mình thấy vui vì có bạn bè, có công việc ở nhà máy...". Rồi Hương thút thít khóc.

Tôi không biết khuyên Hương thế nào bởi tôi thấy cả hai người đều có lý. Với ông già thì cuộc sống trên quê như vậy là vui vì ông không có những nhu cầu khác; còn với Hương thì cái vui của cha đối với cô là tẻ nhạt, vô vị...

Điểm gặp nhau của hai cha con họ là chỗ nào, tôi nghĩ mãi không ra. Nhưng tôi không đành lòng nhìn bạn trở về quê nhà làm cô sơn nữ, chôn chặt cuộc đời mình trong mơ ước bình dị của mẹ cha...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo