Đến thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vẫn chưa có báo cáo sơ bộ về tình hình xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động (NLĐ) bỏ trốn ở nước ngoài theo Nghị định 95/CP của Chính phủ. Tuy nhiên, có thể khẳng định việc triển khai nghị định này chưa mang lại hiệu quả. Hàng chục ngàn lao động vẫn cố tình trốn ở lại nước ngoài, trong khi số người bị xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuyên truyền là chính!
Theo quy định tại Nghị định 95/CP của Chính phủ, kể từ ngày 10-3-2014, NLĐ bỏ trốn, ở lại nước ngoài trái phép bị xử phạt từ 80 -100 triệu đồng. Thời gian qua, kể từ khi nghị định ban hành (ngày 22-8-2013), Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao đã làm tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên vận động NLĐ tuân thủ hợp đồng, tạo mọi điều kiện để NLĐ bất hợp pháp tự nguyện về nước, tránh bị xử phạt theo quy định mới. Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Libya, Nga, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất... đều thường xuyên đưa thông tin xử phạt lao động bỏ trốn lên trang điện tử, đồng thời tích cực vận động NLĐ tự nguyện hồi hương. Tại Hàn Quốc, cùng với đại sứ quán, Ban Quản lý lao động Việt Nam, Văn phòng Hỗ trợ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc còn tổ chức nhiều buổi gặp gỡ để phổ biến quy định cho NLĐ.
Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Bộ LĐ-TB-XH dự kiến 20.000 lao động bất hợp pháp về nước trước ngày 10-3. Tuy nhiên, trái với mong đợi, đa phần lao động vẫn cố tình trốn ở lại nước ngoài, bất chấp xử phạt ra sao. Trong khi đó, kể từ ngày 11-3 đến nay, mới chỉ có 13 lao động bất hợp pháp ở Đài Loan bị xử phạt với mức phạt 90 triệu đồng/trường hợp. Con số này quá nhỏ so với khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó đông nhất là Hàn Quốc, với trên 20.000 người; kế đến Đài Loan khoảng 15.000 người, Malaysia 5.000 người, Nhật Bản 2.000 người...
Vướng cơ chế
Để có cơ sở xử phạt lao động bỏ trốn ở nước ngoài, ngày 6-12-2013, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch số 32 hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt theo Nghị định 95/CP. Theo đó, người có thẩm quyền của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được giao lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó đề nghị đại sứ hoặc người đứng đầu cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài ra quyết định xử phạt. Quy trình, thủ tục xử phạt được hướng dẫn khá cụ thể, dù vậy, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lại rất lúng túng vì không biết... lấy đâu ra người vi phạm để lập biên bản, ra quyết định xử phạt.
Trên thực tế, việc xử phạt chỉ xảy ra trong trường hợp NLĐ bị cảnh sát sở tại bắt giữ và yêu cầu phía cơ quan đại diện Việt Nam đến lập biên bản. Về điểm này, hiện chỉ mới có cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan làm tốt. Cả 13 trường hợp bị xử phạt nói trên được thực hiện sau khi họ bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ rồi thông báo cho Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan. Sau khi trực tiếp đến lập biên bản, ban này làm thủ tục đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc ra quyết định xử phạt. Không như Đài Loan, ở hầu hết các thị trường, nhất là Hàn Quốc, cơ chế hai bên phối hợp xử phạt lao động bỏ trốn vẫn đang ách tắc, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho rằng cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thẩm quyền của Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ để xử phạt trực tiếp khi NLĐ còn ở nước ngoài. “Để giải quyết vướng mắc này, trước mắt, trong tuần tới, chúng tôi sẽ sang Hàn Quốc để bàn vấn đề phối hợp xử phạt, giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn” - ông Quỳnh nói.
Địa phương phải quyết liệt
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng việc tổ chức thực hiện Nghị định 95/CP được triển khai đồng bộ, chặt chẽ. Ngoài xử phạt trực tiếp ở nước ngoài, việc xử phạt trong nước sau khi NLĐ trở về cũng đã được phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh; trong khi chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm thi hành xử phạt, áp dụng các biện pháp hành chính để cưỡng chế xử phạt theo quy định. Nếu các địa phương quyết liệt thì xử phạt mới có hiệu quả, mới đủ sức răn đe, hạn chế NLĐ vi phạm.
Bình luận (0)