Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 25-1, trong khi đang ngồi làm việc tại tầng trệt nhà xưởng, chị Huỳnh Hà Kiều Trang, sinh năm 1995, ngụ tại quận 8, TP HCM, là công nhân (CN) bộ phận đóng bao bì của Công ty Giai Phát (đường Phạm Thế Hiển, quận 8) bị căn gác chứa hàng hóa đổ sập đè lên người. Chị Trang bị chấn thương sọ não, gãy cổ, dập toàn bộ nội tạng và chết trước khi được đưa đến bệnh viện.
Ước mơ dang dở
Đưa chúng tôi xem những dòng tin nhắn của đứa con duy nhất gửi vào lễ Vu lan năm ngoái, bà Hà Kim Phượng (mẹ Kiều Trang) không kìm được nước mắt. “Nhân ngày Vu lan, con cũng không biết làm gì để báo hiếu cho mẹ, con chúc mẹ sức khỏe dồi dào, mạnh khỏe để sống với con, con thương mẹ nhiều” - Trang đã nhắn tin cho mẹ như vậy. Bà Phượng kể: Cách đây 4 năm, chồng bà bị bệnh nặng qua đời. Dù cuộc sống chật vật, khó khăn nhưng bà vẫn cố gắng nuôi con. Năm 17 tuổi, học xong lớp 10, do sức học yếu, thấy không thể tiếp tục việc học, Trang xin mẹ cho nghỉ học. Từ lâu, Trang đã ước mơ trở thành thợ làm tóc giỏi nên ấp ủ ý định học nghề. Tuy nhiên, trường học xa, không thể đưa đón hằng ngày, vả lại thấy con gái chưa đủ tuổi để tự điều khiển xe máy nên bà dự định khi Trang đủ 18 tuổi sẽ cho đi học. Trong thời gian chờ đợi, Trang xin vào làm CN tại Công ty Giai Phát, được trả lương 80.000 đồng/ngày.
Vốn hiếu thảo và siêng năng, tối đến, sau khi hết giờ làm tại công ty, Trang còn làm thêm công việc giúp việc nhà để kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. “Mấy năm nay, tôi bị bệnh liên miên, không thể làm gì nặng nên mọi việc trông cậy cả vào Trang. Nay cháu mất đi, tôi phải hứng chịu nỗi đau và sự mất mát quá lớn, không gì bù đắp nổi” - bà Phượng nói.
Tai nạn khó tránh
Theo lời một số CN, nơi xảy ra tai nạn là một nhà kho được công ty thuê làm nơi sản xuất. Nhà xưởng tồi tàn có từ gần 40 năm trước nên đã xuống cấp trầm trọng. Khi làm việc, CN không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết. Không những vậy, kệ gác cũ kỹ đã chứa đầy những bao tải hàng hóa rất nặng nhưng công ty vẫn yêu cầu CN tiếp tục chất hàng hóa lên, dẫn đến quá tải. Chuyện sập gác chỉ là chuyện sớm muộn. Khi tai nạn xảy ra, ngoài Trang còn có 1 nữ CN khác cùng bộ phận nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Trang làm việc tại Công ty Giai Phát đã gần 2 năm nhưng không được ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT. Sau tai nạn, ngoài chi phí tang lễ, gia đình chưa hề nhận được khoản tiền bồi thường nào từ phía công ty theo luật định. Mới đây, 2 bên có thỏa thuận vấn đề bồi thường, xét thấy công ty có thành ý và lo tang lễ chu đáo nên gia đình chỉ yêu cầu bồi thường 120 triệu đồng. Thế nhưng, phía công ty lấy lý do khó khăn và kỳ kèo trả giá.
Bà Nguyễn Thị Trúc Hà, đại diện công ty, cho biết khi Trang mất, công ty đã chi phí khá nhiều để tổ chức tang lễ. “Tai nạn xảy ra quá đột ngột nên công ty chưa biết phải hỗ trợ gia đình bao nhiêu cho đúng quy định. Hơn nữa, công ty cũng đang gặp khó khăn nên chưa thỏa thuận được mức bồi thường với gia đình” - bà Hà chia sẻ. Bà Hà cũng cho biết thêm từ khi xưởng hoạt động đến nay (năm 2003), chưa hề có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra tình hình sản xuất tại xưởng. Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Đăng Quốc Việt, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận 8, thừa nhận trong năm 2013 không kiểm tra đơn vị này, còn thời gian trước đó thì ông phải xem lại mới biết chính xác (!).
Công ty phải bồi thường
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và cộng sự, nếu công ty có tham gia BHXH cho người lao động (NLĐ) thì khi xảy ra tai nạn lao động chết người, cơ quan BHXH sẽ chi trả trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung cho thân nhân NLĐ bị nạn và thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng cho những người thân mà NLĐ có nghĩa vụ nuôi dưỡng; đồng thời hỗ trợ chi phí mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung. Do Công ty Giai Phát không đóng BHXH nên phải chi trả cho thân nhân chị Trang các khoản tiền mà lẽ ra cơ quan BHXH phải trả.
Ngoài ra, nếu tai nạn không do lỗi của chị Trang, công ty phải bồi thường cho thân nhân người bị nạn 30 tháng lương theo hợp đồng lao động.
Bình luận (0)