Tôi hỏi tiền lương sau khi tăng lên thì được bao nhiêu, Ngọc Hương xòe 3 ngón tay: “Dạ, được hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra, em còn được tiền tip của khách khoảng hơn 1 triệu mỗi tháng...”.
Sống ở TP HCM, với tổng thu nhập hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, phải ở nhà thuê, vậy mà Ngọc Hương vẫn có dư để gửi về cho ba mẹ ở quê 2 triệu đồng. Tôi thấy nể cô em quá chừng! Thế nhưng, nhìn vẻ mặt xanh xao của Ngọc Hương, tôi không khỏi ái ngại: “Em ăn uống có đầy đủ không mà chị thấy gầy hơn lúc trước?”. Cô em họ tôi bật cười: “Nhân viên ở tiệm em được chủ nuôi cơm nhưng chỉ là cơm trắng thôi, không có đồ ăn. Sáng nào bà chủ cũng ghim nồi cơm điện để đó, đồ ăn thì tụi em tự lo. Thường thì tụi em tiết kiệm, với lại cũng làm biếng nên chỉ ăn cơm với nước tương, hôm nào sang hơn thì có thêm dưa leo, cà chua...”.
Tôi nghe Ngọc Hương kể mà không khỏi mủi lòng. Ăn uống như thế làm sao có sức mà làm việc? Tôi chợt nhớ đã đọc trên báo ở đâu đó giám đốc với nhân viên cùng ăn bữa cơm có định suất giống nhau. Cũng đọc ở trên báo có công ty ngay quận 1, TP HCM ngoài 2 bữa chính còn lo bữa ăn sáng cho người lao động, ngày cuối tuần còn có bữa ăn thịnh soạn để bồi dưỡng với tiêu chuẩn cao hơn...
Khi tôi kể điều này với Ngọc Hương, em tròn xoe mắt: “Thật à chị? Ở chỗ nào mà sướng vậy? Ước gì bà chủ của em cũng thương và lo cho nhân viên như vậy...”. Nói xong, tôi nghe cô em thở dài.
Ngọc Hương cho biết mỗi ngày phải làm việc từ 8 đến 20 giờ, tuy rất cực nhưng tất cả nhân viên đều mong tiệm có đông khách để được làm có lương và được cho tiền tip. “Cũng may là tiệm rất đông khách nên tụi em có việc làm hoài, chứ nhiều nơi ế khách, nhân viên đói” - cô em tôi hứng khởi trở lại.
Chia tay cô em họ, tôi nghĩ vẩn vơ: Bà chủ tiệm của em đã cho nhân viên ăn cơm thì sao không cho luôn đồ ăn, thức uống để họ có sức khỏe, làm việc tốt hơn? So với những nơi cho người lao động dùng suất ăn 10.000 đồng, 15.000 đồng thì Ngọc Hương và các bạn của em còn khổ hơn. Thật tội nghiệp...
Bình luận (0)