Hài hòa quan hệ
Điểm khác biệt giữa CĐ giáo dục các quận, huyện với CĐ cấp trên cơ sở khác là vừa chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của CĐ ngành giáo dục TP, vừa chịu sự quản lý của LĐLĐ quận, huyện. Theo ông Dương Minh Châu, Chủ tịch CĐ giáo dục quận, muốn hài hòa mối quan hệ “chính- phụ” này, biện pháp tốt nhất là cần xây dựng chương trình hoạt động phù hợp. Chẳng hạn, để thực hiện tốt việc “nâng cao chất lượng giảng dạy” - một trong 4 trọng tâm trong chương trình công tác của CĐ ngành giáo dục TP, các CĐ cơ sở đã mở đợt vận động đoàn viên chấp hành nghiêm túc các quy chế chuyên môn về soạn, giảng và chấm thi; tổ chức tốt việc dự giờ, đóng góp ý kiến, đúc kết kinh nghiệm giảng dạy, động viên nâng cao trình độ. Song song đó, các CĐ cơ sở còn tổ chức các hội thảo chuyên đề, phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm. “Các phong trào trên không chỉ giúp ngành tháo gỡ những khó khăn riêng, mà còn giúp đội ngũ giáo viên (GV) phát huy được năng lực sáng tạo, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy”. Bà Lê Thị Tại, Trưởng Phòng giáo dục quận, nhìn nhận. Hiệu quả của các phong trào trên được chứng minh qua thực tiễn dạy và học: 5 năm qua, tỉ lệ học sinh (HS) thi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông toàn quận đạt 100%. Tỉ lệ HS khá giỏi trong các kỳ thi mỗi năm một tăng, số HS khá, giỏi cấp TP cũng tăng dần đều từng năm. Mục tiêu “chăm lo ổn định và cải thiện đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của GV” được các CĐ cơ sở cụ thể hóa bằng nhiều biện pháp đồng bộ như: cùng ban giám hiệu (BGH) tận dụng mọi nguồn thu hợp pháp (tổ chức bán trú, căng tin, bố trí dạy thêm giờ) để đảm bảo đời sống GV; tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi GV (nâng lương, phụ cấp dạy thêm giờ, xây dựng chế độ khen thưởng) và duy trì quỹ tương trợ nội bộ. Nhờ đó, thời gian qua, đã có 2.725 GV được xét nâng bậc, nâng lương và được đảm bảo thu nhập trên 800.000 đồng/người/tháng.
Phát huy tính độc lập ở từng cơ sở
Theo Phó Chủ tịch CĐ giáo dục quận Trần Thị Nghì, khi triển khai các mặt hoạt động, chủ trương của CĐ ngành là khuyến khích cơ sở phát huy tính độc lập, chủ động và sáng tạo, từ đó mới tạo được thế mạnh riêng. Nhiệm vụ của CĐ ngành là làm vai trò hướng dẫn cơ sở thực hiện. Dĩ nhiên, trọng tâm hoạt động của cơ sở không nằm ngoài mục tiêu: Nâng cao đời sống và trình độ chuyên môn cho đội ngũ GV. Ở Trường THCS Phan Tây Hồ, để từng bước nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ GV, không để xảy ra tình trạng chênh lệch thu nhập quá lớn, CĐ cơ sở đã chủ động phối hợp với BGH nhà trường phân loại đội ngũ GV, nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình và xây dựng kế hoạch thu chi hàng năm. Nhờ đó, toàn bộ GV được đảm bảo thu nhập bình quân 1,3 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch CĐ Trường Phan Tây Hồ, mục đích cuối cùng là phải đảm bảo được nguyên tắc “có làm có hưởng”, tạo sự an tâm công tác cho đội ngũ GV. Kinh nghiệm khác là việc chương trình “Hỗ trợ GV nâng cao trình độ chuyên môn” tại THCS Gò Vấp II, bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch CĐ trường, cho biết: Sau khi phân loại GV, vận động và hỗ trợ 1/3 kinh phí học tập, CĐ và BGH còn đứng ra bảo lãnh cho GV vay vốn ngân hàng để họ có thêm điều kiện thuận lợi học tập nâng cao trình độ. Nỗ lực này của BGH và CĐ trường đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ GV, từng bước nâng dần chất lượng giảng dạy: từ chỗ chỉ có 18 GV có trình độ đại học, sau 5 năm thực hiện, đã có 58/72 GV toàn trường hoàn tất chương trình đại học. Đây chỉ là 2 trong nhiều điển hình năng động, sáng tạo trong hoạt động của cơ sở trực thuộc CĐ giáo dục quận. Ông Phạm Ngọc Đoàn, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp - TPHCM, nói: “Nếu biết chủ động, bám sát mục tiêu ban đầu đề ra để thực hiện, việc tạo chuyển biến trong hoạt động tại cơ sở không khó thực hiện”.
Bình luận (0)