Theo sự tham mưu của CĐ, công ty đã trang bị riêng một phòng cho nữ công nhân nuôi con nhỏ buổi trưa không về được trữ sữa để chiều mang về cho con bú, bảo đảm chất lượng vệ sinh”- phát biểu của ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen - TPHCM (100% vốn Đài Loan, chuyên may giày), đã thu hút ngay sự chú ý của hơn 300 đại biểu về tham dự hội nghị tổng kết 5 năm công tác phát triển đoàn viên và xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh do Tổng LĐLĐ VN tổ chức tại Hà Nội, sáng 13-10.
Quan tâm từ chuyện nhỏ nhất
Ông Củ Phát Nghiệp cho biết, với đặc thù của ngành may có đông lao động nữ, CĐ đã tham mưu với giám đốc cho chị em có thai từ tháng thứ 7 trở lên và có con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ sớm 60 phút/ngày đúng quy định, không bố trí làm những công việc nặng nhọc, độc hại, ca đêm. Công ty có gần 50.000 lao động, trong đó có 37.150 đoàn viên. Đến nay, toàn bộ công nhân ký hợp đồng dài hạn đều được đóng bhxh, bhyt. Đây chỉ là một phần “rất nhỏ” trong những việc mà CĐ công ty đã làm được cho công nhân. Bằng những việc làm rất nhỏ ấy cộng lại, CĐ công ty đã góp phần giúp công ty ổn định lực lượng lao động, ổn định sản xuất.
Còn “chuyện nhỏ” tại Công ty Liên doanh Sản xuất phụ tùng Ô tô - Xe máy VN, là đào tạo lại tay nghề và huấn luyện an toàn lao động cho CN; đồng thời tăng cường việc kiểm tra giám sát thao tác, bảo hộ lao động, máy móc, vệ sinh môi trường... Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: Những việc làm này xuất phát từ việc năm 2003, số vụ tai nạn lao động trong công ty gia tăng. CĐ “nóng ruột” nên đã đề nghị công ty thực hiện ngay các biện pháp chấn chỉnh. Nhờ đó số vụ tai nạn lao động giảm nhiều từ cuối năm 2004 đến nay.
Có mặt CĐ, công nhân yên tâm
Đem tới hội nghị những thông tin về một vùng đất đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế rất mạnh, với 86 dự án, giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, bà Phan Thị Hiền (LĐLĐ huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) phấn khởi về đời sống công nhân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, trong 3 năm (2002-2004) trên địa bàn có 9 vụ tranh chấp lao động tập thể tập trung vào các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư của Đài Loan và Hàn Quốc. LĐLĐ huyện đã tích cực giải quyết, ổn định tình hình trên cơ sở hài hòa lợi ích đôi bên. Nhờ đó, cả DN và người lao động đều tìm đến CĐ khi có vấn đề chưa thông suốt.
Với CĐ Công ty Liên doanh khu du lịch Bắc Mỹ An - Đà Nẵng, tất cả số lao động của công ty (kể cả hợp đồng ngắn hạn) được giao kết hợp đồng lao động, được đóng BHXH, BHYT, khám sức khỏe định kỳ, được phục vụ các bữa ăn không phải trả tiền. Thời gian qua, CĐ công ty đã kết nạp hàng trăm đoàn viên mới. Đại diện CĐ công ty cho biết, để thuyết phục người lao động và chủ DN, CĐ phải có những việc làm cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực chứ không hô hào chung chung hoặc chỉ biết đòi hỏi quyền lợi.
Đa dạng hóa các hình thức đào tạo
Tỉnh Bình Dương - nơi đang thu hút đầu tư vào loại mạnh nhất nước - cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra tranh chấp, đình công. Bà Nguyễn Thu Hương (LĐLĐ tỉnh Bình Dương) cho biết từ năm 2001 đến tháng 6-2005, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 89 vụ đình công. CĐ đều chủ động tham gia giải quyết. Chính sự có mặt của CĐ cấp trên làm cho người lao động yên tâm; đồng thời cũng giúp cơ sở có thêm kinh nghiệm để giải quyết khi có tranh chấp. Đây cũng là một cách huấn luyện, đào tạo cán bộ CĐ.
Cũng bàn về vấn đề đào tạo cán bộ CĐ, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nêu lên những bài học được đúc kết qua thực tiễn hoạt động: Các cấp CĐ TPHCM đã áp dụng phương châm “cần gì học nấy”. Bên cạnh đó là việc bồi dưỡng, tập huấn cán bộ CĐ thông qua tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi, vận động cán bộ đoàn viên viết bài hiến kế xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh; mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ CĐ không chuyên trách, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên trách cho CĐ cấp trên cơ sở. Đó chính là giải pháp giúp CĐ TPHCM có được một đội ngũ cán bộ CĐ biết hoạt động như hiện nay.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN: Cụ thể hóa hoạt động của từng loại hình CĐ cơ sở . Phóng viên: “Tồn tại lớn nhất qua 5 năm thực hiện Thông tri 02 là công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở ngoài quốc doanh chưa theo kịp tốc độ phát triển của doanh nghiệp (DN)”. Theo Phó Chủ tịch, phải làm gì để rút ngắn khoảng cách này? - Ông Nguyễn Đình Thắng: Quan trọng nhất là giải pháp tự thân của tổ chức CĐ. Nói nôm na, chúng ta phải “tiếp thị” về tổ chức của mình bằng công tác tuyên truyền, vận động lẫn hoạt động thực tiễn. Trong công tác tuyên truyền, phải làm cho cả người lao động (NLĐ) lẫn người sử dụng lao động hiểu mục tiêu của hoạt động CĐ là hợp tác, đối thoại và có cùng lợi ích. Còn trong hoạt động thực tiễn, phải chứng minh cho NLĐ thấy, vào CĐ không chỉ được bảo vệ quyền lợi mà còn được giáo dục, nâng cao trình độ mọi mặt để thích ứng với yêu cầu công việc. Đối với DN, phải làm cho họ thấy CĐ chính là người san sẻ gánh nặng, giúp DN nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, giải quyết kịp thời các thắc mắc khiếu nại; tổ chức các phong trào thi đua và đề xuất các giải pháp chăm lo để NLĐ yên tâm làm việc, đóng góp tốt hơn vào sự phát triển của DN. Làm được như thế, chắc chắn NLĐ sẽ ham thích gia nhập CĐ; còn chủ DN sẽ cổ vũ, hợp tác với CĐ. . Từ kiến nghị của các cấp CĐ cho thấy một số quy định của Thông tri 02 chưa bám sát thực tiễn hoạt động của CĐ cơ sở... - Đúng là nội dung của Thông tri 02 còn dàn trải. Tổng LĐLĐ sẽ nghiên cứu, sửa đổi theo hướng cụ thể hóa hoạt động của từng loại hình CĐ cơ sở: cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, DN Nhà nước, DN ngoài quốc doanh, công ty cổ phần, công ty mẹ - con, nghiệp đoàn... Tất cả sẽ được quy định rõ ràng hơn, thiết thực hơn với NLĐ chứ không mang nặng tính phong trào. Ví dụ, CĐ trong các DN ngoài quốc doanh sẽ tập trung vấn đề ký hợp đồng lao động, tiền lương, BHXH, thỏa ước lao động tập thể... . Khu vực ngoài quốc doanh đang phát triển nhanh đòi hỏi một chính sách căn cơ về cán bộ. Song, quy định về cán bộ chuyên trách CĐ ngoài quốc doanh dường như thiếu tính khả thi? - Chúng ta không thiếu kinh phí để trả lương cán bộ CĐ nhưng cái khó nhất hiện nay là nhiều cán bộ CĐ không muốn làm chuyên trách vì mức lương thấp hơn so với tiền lương DN trả trong khi phải chịu nhiều áp lực từ cả NLĐ lẫn DN. Mặt khác, nhiều chủ DN không muốn có “người ngoài”- tức cán bộ CĐ chuyên trách - trong DN vì ngại cán bộ CĐ sẽ biết rõ các hoạt động của DN. Tổng LĐLĐ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách về cán bộ bởi đây là vấn đề quyết định thành công hay thất bại của hoạt động CĐ. N.Dung thực hiện |
Bình luận (0)