Nhiều công nhân (CN) nói: “Hằng tháng, công ty đều khen thưởng cho các chuyền vượt định mức và bảo đảm chất lượng nên ai cũng cố gắng”. Đây cũng là nếp “sinh hoạt” được Công ty Vicoluch duy trì từ nhiều năm qua.
Trả lương theo năng lực
Khi đi vào hoạt động (năm 1995), tình hình tranh chấp lao động ở một số đơn vị cùng ngành trên địa bàn được ban giám đốc và Công đoàn (CĐ) cơ sở đặc biệt lưu tâm, xem đó là bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển và điều chỉnh quan hệ lao động cũng như thực trạng biến động lao động ở ngành...
Những trở ngại trên đã được ban giám đốc và CĐ công ty “hóa giải” bằng tinh thần hợp tác, thể hiện rõ nét qua việc chủ động thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với những nội dung khá tiến bộ. Chẳng hạn: Sau thời gian thử việc, người lao động (NLĐ) được ký hợp đồng thời hạn 2 năm. Nếu như ở các đơn vị khác thường chọn một hoặc hai hình thức trả lương cố định, thì ban giám đốc và CĐ Công ty Vicoluch đã linh hoạt xây dựng nhiều hình thức trả lương căn cứ vào tính chất công việc của mỗi bộ phận. Ví dụ: Các chuyền hưởng lương khoán được hưởng theo doanh thu của từng chuyền; các chuyền hưởng lương sản phẩm được trả lương dựa trên cách tính điểm cho từng cá nhân (thời gian sản xuất, thao tác). Nhiều CN cho biết cách tính lương rõ ràng và công khai trước khi triển khai các mã hàng đã giúp họ an tâm làm việc hơn. Còn theo lãnh đạo công ty, tiền lương phải bảo đảm được 2 tiêu chí: năng lực và công sức mà NLĐ bỏ ra. Việc tăng ca cũng được công ty hạn chế ở mức thấp nhất, không quá 300 giờ/năm để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Song, theo đánh giá của cơ quan quản lý lao động địa phương, chính sách đặc biệt nhất thể hiện quan điểm tiến bộ của Công ty Vicoluch chính là quy chế tiền thưởng. Các chuyền vượt doanh thu hằng tháng được thưởng từ 2 triệu đến 10 triệu đồng/chuyền.
Phát hiện điển hình từ phong trào thi đua
Đây là thành công của CĐ công ty được LĐLĐ quận Thủ Đức - TPHCM đánh giá cao trong 4 năm gần đây. Ông Đặng Trần Phương, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: Thuận lợi của ban chấp hành (BCH) CĐ khi phát động thi đua là nhờ chủ động xây dựng được quy chế phối hợp làm việc với ban giám đốc (họp định kỳ 1 tháng/lần). Mặt khác, các thành viên trong BCH CĐ đều nắm giữ các vai trò chủ chốt ở các phòng nghiệp vụ và các khâu sản xuất, nên việc xác định nội dung thi đua và chọn “điểm rơi” thích hợp cho phong trào không khó. Chủ trương của CĐ cơ sở mỗi đợt phát động là không nhất thiết phải chạy theo số lượng đăng ký, mà chú trọng tính hiệu quả của từng công trình, sáng kiến. Đó cũng là lý do vì sao dù mỗi năm công ty chỉ có từ 1 đến 2 sáng kiến, song tính hiệu quả vẫn được lãnh đạo công ty đánh giá cao. Đặc biệt trong năm 2003, công trình “Chế tạo máy ép cao tầng” của anh Nguyễn Công Lợi, CN tổ cơ điện làm lợi trên 52 triệu đồng và lọt vào vòng chung kết giải thưởng Tôn Đức Thắng lần III. Dù không đoạt giải nhưng đó là niềm khích lệ đối với tập thể lao động ở một doanh nghiệp ngoài quốc doanh như Vicoluch. Tập thể lao động ở đây còn có nhiều công trình khác có giá trị như: công trình “cải tạo nồi hơi” và công trình “máy nước uống công suất 200 lít/giờ”. Cuối năm, lao động giỏi đều được khen thưởng xứng đáng từ bình xét của các tổ CĐ. Phong trào thi đua lao động sáng tạo do CĐ cơ sở phát động đã góp phần không nhỏ vào thành tích của công ty trong năm 2003: tổng sản phẩm xuất khẩu đạt 227.284 sản phẩm; doanh thu đạt 39,8 tỉ đồng (đạt 123,5% kế hoạch năm); thu nhập bình quân NLĐ đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều CN giỏi trưởng thành từ phong trào như Lê Thị Hải Hồng còn vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Hỗ trợ kinh phí cho CĐ hoạt động
Bà Trần Thị Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức - TPHCM, cho biết: Công ty Vicoluch là một trong số đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài hiếm hoi hỗ trợ kinh phí cho CĐ hoạt động (từ 12 triệu đồng/quý trong năm 2000, lên 20 triệu đồng/quý trong năm 2004). Từ nguồn kinh phí này, mỗi năm CĐ cơ sở trao 15 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh (trị giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/suất) cho con CN nghèo. Kinh phí hỗ trợ mỗi năm đều tăng, khẳng định hoạt động CĐ đã tạo được sự tin cậy nơi ban giám đốc. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện cơ chế quản lý và đãi ngộ lao động, nhiều năm qua, CĐ cơ sở còn làm tốt việc tham mưu xây dựng các chế độ phúc lợi khác để giữ chân NLĐ. Chẳng hạn, khi tổ chức đám cưới, NLĐ được hỗ trợ 200.000 đồng/lần; ma chay: từ 300.000 đến 400.000 đồng/lần. Trong trường hợp bị mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc phải đại phẫu, được trợ cấp từ 200.000 đến 500.000 đồng, tối đa là 1 triệu đồng/lần từ nguồn quỹ phúc lợi. Một thành viên trong BCH, còn “bật mí” thêm: Hiện ban giám đốc và CĐ đang chuẩn bị cho ra đời thêm “quỹ tình thương” (khoảng 30 triệu đồng) để giúp đỡ đoàn viên CĐ có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động tích cực của CĐ cơ sở đã từng bước tạo được sự tin cậy nơi NLĐ, thể hiện qua số lượng CN gia nhập CĐ. Hiện công ty có 585 lao động, trong đó có 554 người là đoàn viên CĐ (đạt tỉ lệ 94,7%).
Bình luận (0)