Thực hiện quy định của Luật (BHXH năm 2014, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển giao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý để tiện theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình, cũng như phòng ngừa tình trạng doanh nghiệp không trả sổ khi người lao động nghỉ việc. Tuy nhiên lợi dụng việc giao sổ BHXH để tự quản lý, không ít người lao động đã mang thế chấp, cầm cố sổ BHXH.
Cầm cố, thế chấp sổ BHXH
Theo Quyết định 1035 và Quyết định 595 của BHXH Việt Nam, trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Điều 27 Nghị định 95/2013 quy định mức phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, hành vi cầm cố sổ BHXH của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mặc dù vậy tình trạng cầm cố, bán sổ BHXH vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Sổ BHXH thể hiện quá trình tham gia, đóng các chế độ về BHXH hàng tháng của người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, được xem như là cuốn sổ tiết kiệm của người lao động để hưởng các chế độ trợ cấp BHXH về sau này. Thế nhưng, thời gian qua có nhiều trường hợp người lao động gặp tình cảnh túng tiền đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố, thế chấp, thậm chí là bán sổ BHXH cho các cá nhân làm dịch vụ về sổ BHXH.
Hiện nay không khó để gặp những trang thông tin, số điện đăng công khai về dịch vụ cầm cố, mua bán sổ BHXH. Gõ cụm từ tìm kiếm "mua bán sổ BHXH" trên Facebook, lập tức hàng trăm trang Fanpape, Facebook liên quan đến hoạt động bán sổ BHXH hiện ra như: Thu mua sổ BHXH; Mua sổ BHXH; Mua sổ BHXH Toàn Cầu; Thu mua sổ BHXH giá cao; Mua&bán sổ BHXH; Thu gom sổ BHXH; Mua bán cầm cố sổ BHXH… Cùng với các trang mạng xã hội rao nhận dịch vụ thu mua sổ BHXH, hiện nay nhiều đối tượng cũng làm dịch vụ nhận cầm cố, thế chấp hoặc thu mua, thu gom sổ BHXH, hoạt động tại các khu công nghiệp có đông công nhân. Không ít công nhân đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố vay tiền, nhiều trường hợp đã tặc lưỡi bỏ luôn sổ BHXH do không có tiền chuộc vì tiền quá hạn tăng.
Mới đây Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã bắt quả tang 3 đối tượng có hành vi dùng thẻ ATM rút tiền để trừ nợ tiền vay lãi của công nhân đang làm việc tại KCN Xuân Lộc. Theo đó, các đối tượng này đã thực hiện hành vi cầm cố sổ BHXH, thẻ ATM, cho vay nặng lãi đối với hàng trăm công nhân trên địa bàn…
Cần nghiêm cấm việc thu gom, thu mua sổ BHXH
Theo BHXH Việt Nam, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH; không quy định việc cầm cố sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ đối với trường hợp người lao động đem đi thế chấp, mà chỉ cấp lại sổ khi bị hỏng, mất. Sổ BHXH không có giá trị cầm cố. Việc thế chấp là tự phát, mang tính chất dân sự giữa hai bên. Người lao động sử dụng sổ BHXH để mua bán, trao đổi, thế chấp thì khi có tranh chấp về pháp luật, người lao động sẽ chịu thiệt. Chính vì vậy người lao động tuyệt đối không thế chấp hay bán lại sổ BHXH của mình cho các đối tượng thu mua để phòng, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Phải coi sổ BHXH là một loại tài sản đặc biệt gắn liền với nhân thân, quyền lợi không thể tách rời của người lao động.
Vì thế, nghiêm cấm các hành vi thu mua sổ BHXH trái quy định nhằm mục đích kinh doanh, trục lợi. Cùng với đó cơ quan chức năng kiên quyết không giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp một lần đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức cầm cố, mua bán sổ BHXH trái quy định, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các tổ chức, cá nhân liên quan. Cùng với đó, có cơ chế cho vay, tín dụng phù hợp, đơn giản để giúp người lao động giải quyết các khó khăn tức thời để không phải cầm cố, bán rẻ sổ BHXH.
Bình luận (0)