Dũng là công nhân (CN) bộ phận hóa công Công ty Reebok, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân. Nhờ tài ăn nói và ngoại hình điển trai, Dũng “chạy” được một chân dẫn chương trình cho các quán nhậu, nhà hàng trong khu vực vào buổi tối. “Công việc không vất vả nhưng phải nhanh nhẹn và chiều “thượng đế” để giữ khách cho nhà hàng. Tuần nào tôi cũng có 1 sô như vậy (200.000 đồng/sô)...”, Dũng cho biết.
Nhọc nhằn kiếm sống
Dũng là một trong số hàng trăm CN của KCN Tân Tạo đang chạy vạy làm thêm đủ nghề như phục vụ quán, tiếp thị bia cho các nhà hàng, quán nhậu hoặc nhận hàng về may gia công thêm buổi tối... - CN Nguyễn Thị Út Mười, quê Đồng Tháp, hiện đang phụ bán cho một quán chè ở đường Hùng Vương, cho biết: “Bất đắc dĩ lắm mới làm thêm như vậy, đi làm cả ngày đủ “phê” lắm rồi”. Mười là CN trong Công ty Xay xát Cửu Long, do ít tăng ca nên cô có thời gian ra ngoài kiếm việc làm thêm và thường 23 giờ mới rời khỏi quán.
Bạn của Út Mười là Hoàng Minh Hiếu, CN xưởng khuôn Công ty PouYuen, lại là một giọng ca quen thuộc của các quán bar - cà phê, nhà hàng, như: Nhà Tôi, Arnold, Ngọc Linh, Mắt Vàng... ở quận 3, quận 1. Từ Đồng Nai, 3 anh em Hiếu lên TP tìm việc làm, phụ giúp gia đình. Ngoài giờ làm việc ở các công ty trong KCN Tân Tạo, 3 anh em Hiếu lại chia nhau đi hát. “Tối nào tôi cũng có sô diễn. Không được trả công mà chủ yếu là nhờ tiền “boa” của khách”. Bình quân một đêm Hiếu chạy sô 2 nơi và kiếm được khoảng 200.000 đồng. Hiếu cho biết mình đang có “tham vọng” tập hợp 3 anh em thành một nhóm nhạc gia đình, tìm cách chen chân vào thị trường âm nhạc ở Sài Gòn. Nhưng đó chỉ là ý định, vì Hiếu đang là kỹ thuật viên xưởng khuôn của công ty. Đây cũng là một nghề ổn định, lâu dài.
Việc gì cũng làm...
Th. Hương, một nhân viên tiếp thị bia Tiger, bạn ở cùng một khu nhà trọ của CN Út Mười, đã nói như vậy. Làm CN lương tháng mấy trăm ngàn đồng, Th. Hương xin không tăng ca để có điều kiện ra ngoài làm thêm. Còn chị Nguyễn Ngọc Ly, quê ở Sóc Trăng, hết giờ làm ở Công ty May Hai Thành là về nhà chúi đầu vào đống hàng gia công nhận làm thêm. Chị cho biết: “Mỗi tháng tiện tặn, tôi gửi về quê khoảng 400.000 đồng để giúp gia đình và lo cho 2 đứa em nhỏ được học hành đàng hoàng”.
Ông chủ nhà hàng Duy Long ở gần KCN Tân Tạo cho biết hầu hết nhân viên trong nhà hàng của ông là CN và phục vụ bàn là công việc thu hút được nhiều CN nhất. Không chỉ có CN trẻ, nhiều CN “đứng tuổi” cũng xin được làm thêm, dù là công việc tạp vụ những mong hằng tháng có thêm thu nhập để có điều kiện giúp đỡ gia đình.
Mong cuộc sống ngày một khá hơn
Bất cứ CN nào cũng mong ước có được một cuộc sống khá hơn, nhưng không phải đánh đổi nhiều thứ để đạt cho bằng được. Anh Nguyễn Văn Nhàn, quản lý sản xuất Công ty PouYuen, kể lại quá trình phấn đấu của mình. Lặn lội lên TPHCM, Nhàn không thể xin được việc vì chỉ mới tốt nghiệp tú tài. Anh xin làm CN học việc tại Công ty Giày An Lạc, quận Bình Tân. Ổn định công việc, Nhàn xin không tăng ca và đi làm thêm nhiều việc gì bên ngoài. Dành dụm được một số tiền kha khá, anh xin qua Công ty Elite (sản xuất dầu gội, nước hoa...) làm và cố gắng tranh thủ thời gian ôn thi vào khoa giao dịch Trường ĐH Ngoại thương TPHCM (hệ tại chức). Tốt nghiệp năm 1999, anh đầu quân về Công ty PouYuen với cương vị quản lý sản xuất. Anh nói: “Có quyết tâm là người ta có thể làm được những điều tưởng rằng khó khăn nhất... Đến giờ ai cũng bảo tôi suy dinh dưỡng, đó là kết quả những năm tháng vất vả đã qua!”.
Những CN tôi đã tiếp xúc hầu hết đều có chung tâm trạng, canh cánh nỗi lo cơm áo nhưng một bộ phận không nhỏ trong đó luôn mong muốn có được điều kiện thuận lợi để học thêm, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề phục vụ cho xã hội và bảo đảm được cuộc sống.
Bình luận (0)