Đó là tâm sự của 30 công nhân (CN) cơ sở Sao Sài Gòn (gia công hàng điện tử, huyện Hóc Môn, TPHCM). Những tháng cuối năm 2001, nhiều DN tại TPHCM phải cho CN nghỉ chờ việc. Tuy nhiên, khó khăn trên được CN chia sẻ, họ chấp nhận đồng cam cộng khổ với niềm tin trong tương lai gần, mọi việc sẽ tốt hơn lên.
Đơn hàng giảm, công việc không đều
Một thành viên ban giám đốc Công ty TNHH May Chi San (gia công áo jacket, huyện Hóc Môn - TPHCM) cho biết, dù cố gắng điều tiết đơn hàng, tính chung mỗi năm công ty đều có khoảng 1/3 CN phải nghỉ chờ việc từ 5-10 ngày. Tương tự là Công ty TNHH Tiên Mỹ (huyện Hóc Môn - TPHCM), gần 60 CN phải nghỉ chờ việc luân phiên gần nửa năm qua. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chánh Công ty Tiên Mỹ, nói năm nay tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn vì có thêm nhiều DN mới thành lập, đơn hàng cũng ít đi. Ông Bùi Đắc Dũng, chủ cơ sở Sao Sài Gòn, cho biết do phía đối tác gặp khó khăn, nên đơn hàng gia công ít hơn so với năm trước. Với nhiều DN ngành da giày, tình trạng chờ việc đã trở thành chuyện thường từ mấy năm qua. Tại Công ty Giày Phú Lâm, thường CN phải nghỉ chờ việc vài tháng trong năm do không có đơn hàng.
Lương thưởng ít vẫn cảm thông, gắn bó
Khó khăn lớn nhất ở những DN có nhiều CN nghỉ chờ việc là vừa phải cố gắng tìm đơn hàng mới để giữ việc làm, vừa phải trả đủ tiền lương chờ việc cho CN (không được thấp hơn mức lương tối thiểu 210.000 đồng đối với các DN dân doanh và không thấp hơn 40-45 USD ở DN có vốn đầu tư nước ngoài). Ông Dương Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giày Phú Lâm- TPHCM, nói: “Chúng tôi hiểu việc làm trong những tháng cận Tết đối với CN quan trọng như thế nào. Nên khó khăn cách mấy cũng tìm cách để giữ việc làm (nhận hàng gia công từ DN khác) và xoay xở để có một số tiền cho CN cùng gia đình ăn Tết”.
Tại cơ sở Sao Sài Gòn và Công ty TNHH Đông dược Thiên Hưng (quận Gò Vấp, TPHCM), CN chờ việc được hưởng lương từ 300.000 đồng - 350.000 đồng/người/tháng; ở Công ty TNHH May Chi San, lương chờ việc tính theo ngày, từ 25.000 đồng - 45.000 đồng. Với cái Tết đang cận kề, các DN trên vẫn không quên tiền thưởng cho người lao động. Nhiều giám đốc nói: Làm ăn khó khăn, không ai ép buộc chúng tôi phải thưởng. Song CN thiếu việc, lương thấp vẫn gắn bó với mình, nỡ nào để họ buồn hơn. CN không có thưởng Tết, lòng chúng tôi cũng thấy bất an. Nên ngoài khoản lương chờ việc, Tết này CN có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên vẫn được các DN thưởng Tết một tháng lương (bình quân 700.000 đồng/người). Cũng có DN chọn giải pháp đào tạo nghề phụ như Công ty Minh Trân (quận Tân Bình, TPHCM). Công ty có hai phân xưởng may và điện tử với 200 CN. CN làm nghề này được học nghề kia. Nên khi phân xưởng nào thiếu hàng, CN được điều sang phân xưởng khác làm việc; nhờ đó thu nhập CN ổn định ở mức 800.000 đồng/người/tháng.
Tiếp xúc với chúng tôi, CN Nguyễn Văn Tài, Công ty TNHH Đông dược Thiên Hưng, tâm sự: “Chúng tôi hiểu và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với công ty. Lương ít thì mình tiện tặn vẫn thu vén được cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi tin rồi khó khăn sẽ qua đi, CN sẽ có đủ việc làm, thu nhập khá lên”.
Giám sát xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để vi phạm
Theo ông Phạm Ngọc Đoàn, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, những chăm lo trên là thiện chí của DN làm ăn nghiêm túc, xem việc làm - đời sống của CN là trách nhiệm của mình. Thế nhưng cũng đã hình thành một mánh khóe phổ biến trong một số DN dân doanh (và cả DN có vốn đầu tư nước ngoài) là đến cuối năm, viện ra những lý do có thật và không có thật để đẩy người lao động ra đường hoặc tìm cách “thay máu lao động”, né tránh trả trợ cấp thôi việc và các khoản phép năm, thưởng Tết. Năm 2001, số lao động mất việc, theo ghi nhận của Sở LĐ-TB-XH TPHCM có phần ít hơn năm trước. Tuy nhiên, số DN có nhiều CN mất việc nhất lại thường là những nơi từng vi phạm pháp luật lao động.
Ghi nhận mối quan hệ đồng cam cộng khổ giữa DN với CN, càng thấy việc DN lợi dụng sa thải CN nói trên là hành vi bất nhẫn khi đẩy CN đối diện một cái Tết buồn. Lại không thể không nhắc lại vai trò giám sát, quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng. Càng vào những ngày cuối năm, càng cần có nhiều biện pháp tích cực hơn để ngăn ngừa, hạn chế thiệt thòi cho người lao động và xử lý nghiêm những DN vi phạm pháp luật lao động.
Bình luận (0)