Bữa tiệc mừng sinh nhật lần thứ 16 của Công ty May In Hoàng Tấn (quận 3 - TPHCM), tổ chức chiều 15-11, diễn ra trong không khí thật ấm cúng. Giám đốc công ty, ông Nguyễn Hảo, tâm sự: “Năm nay là năm lẻ nên chúng ta chỉ tổ chức gọn nhẹ trong nội bộ công ty, để dành kinh phí chăm lo cho anh em trong dịp Tết sắp tới. Dù khó khăn cách mấy, tôi xin hứa sẽ bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống cho anh em. Tôi tin, với sự đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn”.
Tìm mọi cách chăm lo cho công nhân
Giống như nhiều doanh nghiệp (DN) khác, Hoàng Tấn cũng bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế. Nhưng ngay từ đầu năm 2008, dự liệu trước các khó khăn, công ty đã xây dựng kế hoạch dự phòng. Khi giá cả gia tăng, công ty hỗ trợ công nhân (CN) từ tiền gởi con nhà trẻ, tiền thuê nhà đến gạo, đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn... Chị Nguyệt, làm việc tại công ty gần 10 năm, cho biết: “Ở đây, đa số CN đều làm việc khá lâu, nhiều người gắn bó với công ty từ những ngày đầu mới thành lập; nhiều người được giám đốc công ty dựng vợ, gả chồng, lo cho con cái khi bệnh hoạn... Chúng tôi xem công ty như nhà mình”. Giám đốc công ty còn cho biết, sắp tới, ông sẽ hỗ trợ CĐ kinh doanh, tạo thêm nguồn thu để chăm lo cho CN tốt hơn.
Còn tại Công ty Kềm Nghĩa (quận Tân Bình- TPHCM), hiện nay, do sức tiêu thụ chậm lại nên công ty bố trí cho CN nghỉ ngày thứ hai hằng tuần nhưng vẫn được hưởng lương trên hợp đồng lao động. Chủ tịch CĐ công ty Lê Thị Kiều Hương cho biết: “Lúc đầu, công ty cũng cân nhắc kế hoạch cắt giảm lao động nhưng sau khi bàn bạc kỹ, thấy làm như vậy, CN sẽ khó khăn thêm nên thống nhất với CĐ hướng giải quyết như trên. Công ty cố gắng bảo đảm thu nhập bình quân của hơn 1.500 CN đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng”.
Hiểu, chia sẻ với DN
Đến thăm các DN những ngày gần đây, chúng tôi nhận ra một điều: Chưa bao giờ, CN quan tâm đến những vấn đề thời sự mang tính “vĩ mô” như bây giờ. Tin tức trên tivi, radio, báo chí... về khó khăn của kinh tế thế giới và các DN trong nước đã tạo được sự chú ý của CN. Họ hiểu, mình phải có trách nhiệm với sự tồn tại của DN chứ không chỉ là đòi hỏi quyền lợi.
Tại Công ty Quyết Thắng (quận Gò Vấp-TPHCM), không khí ở hầu hết các phân xưởng sản xuất đều rất khẩn trương. Ông Huỳnh Đức Nam, phó quản đốc phân xưởng sợi, khoe: “Chúng tôi vừa sáng chế thành công máy xử lý xé thô phế liệu. Trước đây, phần lớn xơ phế đều bị cân ký bán rẻ, anh em rất tiếc nên mới mày mò chế tạo thử. Từ hồi có máy vừa tiết kiệm nguyên liệu, thu hồi được xơ phế phẩm, vừa làm lợi cho công ty mỗi tháng 14 triệu đồng”.
Ở Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi-TPHCM), hiểu tình hình khó khăn của DN, từ đầu năm đến nay, CN triệt để tiết kiệm chi phí điện nước, quạt máy. Khi hết giờ sản xuất, không cần nhắc nhở, CN bảo nhau tắt hết các thiết bị điện. Tại Công ty Giày Thiên Lộc (quận 12), CN đã phấn đấu hạ tỉ lệ phế phẩm, tăng năng suất lao động. Nhờ vậy, không chỉ làm lợi cho DN mà thu nhập của CN cũng được bảo đảm. Ông Hà Quang Tuyến, chủ tịch CĐ công ty, cho rằng: “Những việc làm trên thực sự có ý nghĩa đối với DN, đặc biệt là trong tình hình khó khăn hiện nay”.
Thiện chí để ngăn ngừa tranh chấp
Vừa qua, có nhiều DN gặp khó khăn phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc để xảy ra nợ lương, chậm lương CN. Tuy nhiên, không phải DN nào khó khăn cũng “bỏ của chạy lấy người”, đẩy hết khó khăn cho người lao động (NLĐ) bởi họ vẫn mong có ngày trở lại. Thiện chí này đã được NLĐ ghi nhận và đánh giá cao. Mới đây, 4 DN tại quận Bình Tân ngừng hoạt động, gần 2.000 CN bị mất việc đã được giải quyết hơn 9 tỉ đồng tiền lương và các chế độ khác. Đặc biệt, Công ty TNHH Silver Star còn đồng ý trả thưởng Tết năm 2008 cho CN với mức từ 80% đến 100% tháng lương.
Mới đây, khi khảo sát tình hình đời sống của CN tại 25 DN sử dụng từ 300 lao động trở lên, LĐLĐ huyện Củ Chi đã đề xuất các DN nâng các khoản phụ cấp nhằm chia sẻ khó khăn với CN. Sau đó, nhiều DN đã hỗ trợ tiền chuyên cần, tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền xăng... cho CN. Ông Võ Văn Tận, Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi- TPHCM, cho rằng: “Việc làm này không chỉ giúp CN an tâm làm việc mà còn tạo sự hiểu biết, thông cảm giữa hai bên; giúp hài hòa, ổn định quan hệ lao động và ngăn ngừa các tranh chấp”.
Chăm lo cho NLĐ, tháo gỡ khó khăn cho DN UBND TPHCM vừa đề nghị LĐLĐ TPHCM chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động và quy định về lương tối thiểu cho khu vực sản xuất kinh doanh để giúp các đơn vị xây dựng thang, bảng lương cho năm 2009, công bố cho NLĐ trong tháng 12 - 2008; hướng dẫn CĐ cơ sở kiểm tra việc thực hiện lương tối thiểu mới và phối hợp cùng DN chăm lo Tết Kỷ Sửu cho CNVC-LĐ. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với LĐLĐ TP, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND TP về biện pháp giải quyết đối với các DN có chủ nước ngoài đã bỏ trốn; các DN nợ lương, nợ BHXH, nợ thuế kéo dài... để bảo vệ lợi ích hợp pháp của NLĐ. Riêng BHXH TP phải báo cáo tình hình vi phạm của từng DN và đề xuất UBND TP xử phạt hoặc khởi kiện các DN chây ỳ, nợ BHXH với số tiền lớn, kéo dài. Các sở, ngành cũng cần tăng cường nắm tình hình sản xuất kinh doanh của các DN; đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động gia công ngành may mặc và giày da xuất khẩu. Đồng thời tham mưu cho UBND TP tháo gỡ, hỗ trợ các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Q. Hiền |
Bình luận (0)