Trước khi lên xe, anh Nguyễn Thành Tin nói với chúng tôi: “Mất việc, chỉ có tiền trợ cấp, không có tiền thưởng. Nếu ráng ở tới Tết thì số tiền trợ cấp cũng không còn để mang về nhà. Về bây giờ đỡ đần cho gia đình được gì hay nấy”.
Lây lất chờ lương
Chiều 12-12, theo cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn - TPHCM đến thăm CN Công ty TNHH AirCamp ở xã Thới Tam Thôn, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà họ phải đối mặt. Nhận 500.000 đồng tiền tạm ứng chưa “ấm” hơi tay, nhiều CN đã phải ngậm ngùi mang đi trả nợ tiền nhà. Nữ CN Võ Thị Vy cho biết phải đi xe từ Bến Lức, Long An lên TPHCM lúc sáng sớm để “canh” việc trả lương của công ty. Đi năm lần, bảy lượt mới nhận được vài trăm ngàn đồng, đành phải khất nợ tiền nhà đến cuối tháng.
Với gần 500 CN Công ty TNHH Aura Lingerie (quận Thủ Đức-TPHCM), đợt lương ngày 10-12 là lần lãnh lương sau cùng. Lãnh một cục tiền lương, trợ cấp nhưng ai cũng lo lắng, buồn phiền. Cả tháng nay, họ phải chạy vạy tìm việc nhưng rất ít người có được việc làm mới. Tình cảnh CN Công ty TNHH Đại Sáng VN (huyện Hóc Môn - TPHCM) cũng bi đát không kém. Nữ CN Nguyễn Thị Lang cho biết: “Chúng tôi phải chầu chực chờ nhận lương 2 tháng nay rồi. Công ty cứ trả lương nhỏ giọt. Chiều 15-12, đúng hẹn nhận lương, chúng tôi gọi điện hỏi thăm nhưng người có trách nhiệm của công ty đều tắt máy”.
Bếp không đỏ lửa
Đến dãy nhà trọ ở khu phố 2, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức- TPHCM sáng chủ nhật vừa qua, chúng tôi gặp nhiều CN ở nhà. Một số đi chợ, nấu ăn; một số ở nhà giặt giũ, ngủ bù, khác hẳn trước đây, ngày cuối tuần thường im ỉm vì CN tăng ca hoặc đi chơi. Dù đã hơn 9 giờ nhưng chị em Nguyễn Thị Hạnh (Công ty Freetrend – KCX Linh Trung I) vẫn còn ngái ngủ. Trước sự thắc mắc của chúng tôi, Hạnh cười: “Dậy sớm không làm gì lại tốn tiền ăn sáng. Thôi ráng ngủ, trưa ăn luôn”.
Mong được hỗ trợ
Chị Nguyễn Thị Xuân, CN KCX Linh Trung II –TPHCM, vừa gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhờ có chính sách hỗ trợ để CN bớt khổ. Theo chị Xuân, nhiều doanh nghiệp trong KCX đã sa thải CN, một số khác phải chờ việc nên Tết này không biết lấy gì về quê ăn Tết. Trong khi tiền phòng trọ, tiền điện nước, gạo, thực phẩm... cứ tăng giá. Đây cũng là tình cảnh của hàng ngàn CN ở các KCN tại TPHCM hiện nay. |
Bếp núc lạnh tanh, Hằng, chị của Hạnh, nói: “Cả tháng nay, tụi em không nấu ăn; ngày ăn cơm công ty, buổi tối về nhà một gói mì là xong bữa. Bây giờ ra chợ, cái gì cũng đắt... Thứ gì cũng tăng vùn vụt nhưng cả tháng nay không tăng ca nên thu nhập rất thấp”. Hằng để lại chồng và con nhỏ ở Quảng Bình vào KCX Linh Trung I làm việc hơn 4 năm nay với thu nhập từ 1,3 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng.
Trước đây, mỗi tháng, tằn tiện lắm, trừ tiền nhà, điện, nước, ăn uống, chị còn gửi về cho con được 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Nhưng từ 3 tháng nay, Hằng chưa gửi về nhà được đồng nào. Nhắc đến Tết, chị rươm rướm nước mắt: “Chắc là không về, cố kiếm ít tiền gửi về cho hai bố con ăn Tết”.
Trong đợt giảm lao động vừa qua, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Công ty Filia - KCN Tây Bắc Củ Chi. Chị Thúy có bầu 4 tháng cũng đúng lúc hết hạn hợp đồng và công ty không ký tiếp. Nước mắt lưng tròng, chị kể: “Chồng tôi vừa đăng ký đi xuất khẩu lao động nên giờ chỉ đi học. Mấy tháng nay, tiền ăn ở, sinh hoạt của hai vợ chồng đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của tôi. Nay tôi mất việc luôn không biết lấy gì sống. Tôi bầu bì như vầy không thể xin việc được. Chắc phải về quê, sống nhờ hai bên nội, ngoại chứ biết làm sao”.
Trong căn phòng trọ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7- TPHCM, chúng tôi gặp Nguyễn Thị Linh, CN Công ty FAPV- KCX Tân Thuận. Linh cũng không giấu nỗi lo lắng: “Trước đây, lúc nào công ty cũng đăng bảng tuyển CN. Vậy mà nghe nói sắp tới, công ty phải cho 2.000 CN nghỉ việc vì không có đơn hàng. Nếu đúng như vậy thì chắc là bi đát lắm vì Tết sắp đến rồi...”.
Chủ nhà trọ, tiệm tạp hóa... cũng kêu trời!
Chuyện doanh nghiệp khó khăn phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất không chỉ gây khó cho CN. Nhiều tháng qua, những người làm dịch vụ “ăn theo CN” cũng phải khốn đốn. Bà Hai Tân, chủ tiệm tạp hóa ở cạnh KCN Tân Tạo, than thở: “Tôi bán ở đây gần chục năm rồi, chưa khi nào thấy CN khổ như vầy. Hồi trước, tụi nó mua đồ thiếu, tới kỳ lương thì trả đủ. Còn bây giờ, có đứa thiếu tới 3 tháng cũng không trả. Tôi vô tận nhà trọ đòi cũng không có. Vốn liếng không bao nhiêu, cứ bán thiếu kiểu này, chắc có ngày đứt vốn!”.
Cũng ở phường Tân Tạo - quận Bình Tân, anh Nguyễn Văn Lượng mới cưới vợ, ra riêng hồi đầu năm. Cha mẹ hai bên cho ít vốn liếng mở cửa hàng bán gạo cho CN. “Tôi bán gạo vì nghĩ đây là mặt hàng thiết yếu, CN không thể không cần. Công việc làm ăn, buôn bán hồi đầu năm khá lắm. Nhưng từ tháng 7 tới giờ, mọi thứ cứ đi xuống. CN vẫn mua gạo, tôi vẫn bán đều đều nhưng mà họ... mua chịu rồi không có tiền trả. Thấy họ nghèo quá, tôi không nỡ đòi nhưng cứ đà này, có khi tôi phải dẹp tiệm mất”- anh Lượng cười như mếu.
Cuối tuần qua, chúng tôi ghé thăm bác Bảy, chủ nhà trọ ở phường Tân Thuận Đông- quận 7. Nhiều CN vẫn xem nhà trọ của bác như nhà của mình, xem bác như cha chú vì bác rất thương CN. Gặp chúng tôi, bác lắc đầu: “Tụi nhỏ bây giờ khó quá rồi. Có đứa nợ tới 4 tháng tiền nhà. Tụi nó khó, mình cũng khó nhưng còn đỡ hơn. Biết làm sao được...”.
Bình luận (0)