Từ một nhân viên IT, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông được đề bạt lên vị trí trưởng phòng hệ thống của một DN có hơn 7.500 lao động. Năm 2007, ông được tập thể lao động tín nhiệm bầu làm chủ tịch Công đoàn (CĐ) cơ sở. "Lúc ấy, tôi mới 34 tuổi. Tôi có thừa nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng kinh nghiệm chỉ là con số 0. Nói thật, tôi có chút lo lắng vì DN Nhật Bản nổi tiếng nghiêm khắc trong khi công nhân (CN) lại quá đông và luôn đòi hỏi cao ở CĐ.
Để có thể sớm tiếp xúc công việc còn quá mới mẻ, người thủ lĩnh CĐ đầy nhiệt huyết ấy đã đến các CĐ bạn, nơi hoạt động phong trào đã vào nền nếp để học hỏi kinh nghiệm. "Cứ thế, tôi dò dẫm, tiến lên từng bước một và tạo ra sự khác biệt" - ông Thái nhớ lại. Đặc biệt, với suy nghĩ là một chủ tịch CĐ, phải giao tiếp được với ban giám đốc để truyền tải đúng tâm tư, nguyện vọng của người lao động (NLĐ), ông chăm chỉ học tiếng Nhật và động viên các anh chị em trong ban chấp hành CĐ học tiếng Nhật để có thể trình bày trực tiếp những suy nghĩ của bản thân cùng ban giám đốc.
Sau việc này, để khuyến khích CN nâng cao trình độ ngoại ngữ, CĐ công ty đã thỏa thuận để đưa vào thỏa ước lao động tập thể phụ cấp ngoại ngữ cho NLĐ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật) từ 25.000 đồng đến 1,7 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn thường xuyên mở các khóa tiếng Nhật miễn phí ngay tại DN cho những CN có nhu cầu hoặc có mong muốn thay đổi vị trí công việc. Nhờ chính sách khuyến khích này, nhiều người có thể giao tiếp được với các chuyên gia người Nhật.
Ông Hoàng Xuân Thái (bìa phải) thăm hỏi công nhân của công ty
Ở FAPV, an toàn lao động, nội quy lao động được đặt lên hàng đầu và đòi hỏi mỗi NLĐ đều phải tuân thủ. Như đi bộ trong nhà máy phải đúng phần đường màu xanh, băng qua đường đúng vạch kẻ trắng, bước vào nhà máy phải thay giày, đội mũ... "Ban đầu có người khó chịu và không muốn làm theo, do vậy CĐ phải thường xuyên nhắc nhở CN tuân thủ. Dần dà, CN hiểu ra việc thực hiện đúng nội quy sẽ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình nên chấp hành đúng" - anh Hoàng Lương, Phó Chủ tịch CĐ công ty, kể.
Luôn đòi hỏi ở CN của mình, song ông Thái cũng biết cách tạo sự thoải mái, vui vẻ cho họ bằng các giải bóng đá nam, nữ, chương trình tham quan, nghỉ mát hằng năm, lễ hội đầu năm... Nhiều năm qua, CĐ cơ sở còn chủ động tham gia giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca. Mỗi ngày, nhà ăn công ty có 3 món mặn và 1 món chay để CN lựa chọn. Ca đêm được đổi thành các món nước và nóng để CN dễ ăn như phở, hủ tiếu, bánh canh, bún riêu, bún bò...
Đến FAPV, điểm đặc biệt trong các hành lang, nhà xưởng đều có bản tin với các thông tin về hoạt động CĐ cơ sở, các điều CN cần biết, những chế độ chính sách mới, các bài báo biết về CN, CĐ... Ông Thái cho biết: "Chính sự công khai, minh bạch nên CN công ty không bao giờ thiếu thông tin. Những vấn đề CN chưa hiểu và chưa nắm rõ đều có thể tìm tôi để được giải đáp một cách cặn kẽ nhất". Trăn trở trước tình trạng nhiều CN lâm vào khó khăn, phải vay nóng bên ngoài, ông đã đứng ra xác nhận để CN được vay trả dần từ Tổ chức Tài chính vi mô (CEP). Mỗi tháng, CĐ duyệt vay trung bình 200 hồ sơ với tổng số tiền từ 2-3 tỉ đồng. Nhiều CN đã vay để giải quyết khó khăn đột xuất như gửi tiền về cho gia đình, đóng tiền học phí cho con, sửa nhà, mua thêm thiết bị gia đình…
Ông Morishima Takao, Tổng giám đốc FAPV, nhìn nhận nhiều năm qua, CĐ công ty đã tích cực hỗ trợ ban giám đốc trong việc chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CN, giúp họ gắn bó với DN, giúp DN và CN hiểu nhau hơn, cùng nhau phấn đấu vì sự phát triển của DN và ổn định đời sống NLĐ. CĐ công ty đã thật sự là cầu nối vững chắc. "Chúng tôi đặc biệt nể trọng Thái, bởi ông là một cán bộ CĐ có hiểu biết, sống có trách nhiệm với CN và DN" - ông Morishima Takao nói.
Bình luận (0)