Chỉ còn chưa tới một tháng nữa là Tết nguyên đán nên thị trường vé tàu xe bắt đầu nhộn nhịp. Đây cũng là thời điểm các hình thức lừa đảo bán vé xe giả, lừa đảo người về quê ăn Tết gia tăng.
Ăn quả lừa
Đến giờ này, chị Từ Thanh Hiền (quê Quảng Bình) vẫn còn ám ảnh về cú lừa mua vé xe Tết năm ngoái. Lướt Facebook, chị phát hiện một tài khoản đăng tin bán vé xe về Tết chuyến TP HCM - Quảng Bình. Giá vé ghi rõ là 900.000 đồng/khách, bao ăn uống dọc đường, xe ghế nằm, hình ảnh chụp xe đời rất mới. Thấy giá hợp lý, chị đặt 3 vé cho cả gia đình. Chủ tài khoản Facebook nhắn chị cứ chuyển đặt cọc trước phân nửa tiền vé, còn lại về tới quê mới thanh toán.
Cả tin, chị chuyển khoản ngay mà không xem xét kỹ, cũng không gọi điện thoại để kiểm tra thực hư. "Khi tôi chuyển khoản xong, tài khoản Facebook đó xác nhận đã nhận được tiền và nhắn số ghế cho gia đình là 12-13-14, kèm biển số xe, ngày xuất phát" - chị Hiền nhớ lại. Đúng ngày giờ hẹn, cả gia đình chị ra đường chờ hoài nhưng không thấy xe đến, gọi điện thoại không ai nghe máy, lên tìm tài khoản Facebook đó cũng không kết nối được. Ấm ức vì bị lừa, chị đành bấm bụng đón xe "dù" dọc đường để về quê. Tổng số tiền chị bỏ ra để mua 3 ghế "xúp" trên chiếc xe này là 3,6 triệu đồng.
Anh Hồ Văn Thắng (quê Hà Tĩnh), lại bị bạn thân lừa. Anh Thắng kể cũng thời điểm này năm trước, anh dò hỏi bạn bè vé xe về quê ăn Tết. Một người bạn cùng quê chơi khá thân nói có quen một nhà xe và có suất mua ưu đãi giá rẻ hơn giá thị trường 20%. Tin bạn bè, anh Thắng đã nhờ người bạn của mình mua cho 8 vé để cả nhóm anh em bạn bè về cùng xe cho vui. "Tôi chuyển cho người này hơn 4 triệu đồng tiền cọc và được xác nhận đã mua vé xong. Người này còn chụp vé gửi qua Zalo cho tôi, vé có cả số ghế, tên hãng xe, ngày khởi hành... Tuy nhiên, đến cận ngày lên đường, tôi gọi điện lấy vé thì không liên lạc được. Biết là bị lừa nhưng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt" - anh Thắng nói.
Công nhân Công ty CP Saigon Food lên xe về quê đón Tết (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Bị "lật kèo"
Anh Ng.H.N, một công nhân (CN) làm việc tại KCX Linh Trung (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết vào giữa tháng 12-2017, anh tìm đến Công ty Phúc Như đóng tại phường Thảo Điền, quận 2 để hợp đồng thuê xe đưa đón đồng hương về quê ăn Tết. Theo thỏa thuận, công ty này sẽ cung cấp xe khách giường nằm chất lượng cao loại 45 chỗ để vận chuyển khứ hồi cho CN từ TP HCM về Quảng Bình và ngược lại. Tổng giá trị của hợp đồng là 105 triệu đồng, anh N. đặt cọc trước 28 triệu đồng.
Theo hợp đồng ký kết, vào lúc 19 giờ ngày 10-2-2018, chiếc xe này sẽ đến đón 45 người là CN tại các địa điểm đã thỏa thuận trước. Tuy nhiên, đến giờ hẹn, CN mang hành lý chờ sẵn nhưng không có xe đến đón và Công ty Phúc Như cũng không thông báo cho anh N. lý do xe không đến. "Khi sự việc xảy ra, tôi cố gắng liên lạc với công ty nhưng không được. Chúng tôi đứng ra thu tiền của anh em CN đồng hương và đặt xe nên phải có trách nhiệm kiếm xe khác cho họ về quê. Ngay trong đêm, tôi phải liên hệ khắp nơi để kiếm xe khác chở số khách về quê đã đặt cọc tiền" - anh N. nói.
Rút kinh nghiệm, năm nay anh N. liên hệ một doanh nghiệp vận tải có uy tín hơn, các điều khoản trong hợp đồng cũng chặt chẽ hơn. Anh N. cũng khuyên mọi người làm ăn xa muốn về quê đón Tết phải cẩn trọng để khỏi bị lừa. Cách tốt nhất theo anh N. là tìm đến những hãng xe làm ăn lâu năm, uy tín và có văn phòng đàng hoàng.
Đừng ham của rẻ
Đó là chia sẻ của anh Huân Nguyễn, một chủ xe chạy tuyến TP HCM - Quảng Bình. Theo anh, chọn nhà xe uy tín và tìm đến những điểm bán vé cố định được hãng chỉ định để tránh "tiền mất tật mang". Đa số các tuyến về miền Trung trong dịp Tết đều tăng giá vé nên nếu thấy giá rẻ thì phải xem lại. Đời xe cũng nên được chú ý bởi vì ham tiền, nhiều nhà xe sử dụng những chiếc xe thiếu an toàn để chạy tuyến đường dài, không an toàn cho hành khách.
Kỳ tới: Các chiêu lừa phổ biến
Bình luận (0)